Vợ “tự xử” chuyện lớn trong nhà

Thưa chị Hạnh Dung,


Vợ tôi luôn hỏi ý kiến chồng trước mọi quyết định, nhưng không bao giờ làm theo. Gần đây cô ấy “tự xử” nhiều việc, dẫn đến nhiều hậu quả rất phiền phức.


Đầu tiên là việc chuyển trường cho con. Chỉ vì đọc trên mạng xã hội rằng trường của con có vấn đề, cô ấy lập tức bàn với tôi rằng phải chuyển trường. Tôi chỉ phân tích là cần phải có nguồn tin đáng tin cậy hơn thì mới có thể quyết định. Nhưng sau đó, cô ấy tự ý nộp hồ sơ của con vào trường khác.


Mới đây, cô ấy lại tự ý lấy tiền tích cóp của hai vợ chồng đi đầu tư chứng khoán. Trước đó, cô ấy hỏi tôi về chứng khoán, tôi cũng chia sẻ một vài điều mình biết. Rồi bất ngờ, tôi được thông báo cùng vợ ra văn phòng công chứng để bán đất. Lý do bán đất cô ấy đưa ra là đất có thể mua lại được, nhưng không thể bỏ qua cơ hội đầu tư chứng khoán.


Vì chuyện còn đang ở giai đoạn “chờ công chứng”, có thể cứu vãn được, nên tôi quyết tâm ngăn lại. Không ngờ, khi tôi trút bức xúc về việc vợ tự ý, coi thường chồng thì cô ấy cũng xả ra những bức xúc rằng cô ấy cô đơn, việc gì cũng phải tự quyết, và chồng quá thờ ơ, thiếu quyết đoán. Cô ấy buộc phải vào vai đàn ông để gánh mọi thứ.


Vợ “tự xử” chuyện lớn trong nhà


Ảnh minh họa


Tôi quá bất ngờ. Sao cô ấy có thể vừa tự quyết mọi thứ vừa tự ảo tưởng rằng mình cô đơn? Hiện tại, cô ấy chính thức “không cần chồng nữa” và chủ động chuyển sang chế độ ly thân. Người đàn ông ly thân này cần phải làm gì đây, thưa chị?


Hoàng H. (Đồng Nai)


Anh Hoàng H. mến,


Hạnh Dung sẽ không đưa ra lời khuyên, mà chỉ giúp anh nhìn rõ hơn vào câu chuyện. Sau khi có cái nhìn sáng rõ, Hạnh Dung tin là anh sẽ có câu trả lời.


Trước hết, anh nói rằng vợ “chỉ hỏi ý kiến anh mà không làm theo”. Vậy theo anh, mục đích của việc hỏi ý kiến nên là gì. Một: là để tham khảo, chia sẻ; hay hai: để tìm tiếng nói chung, và cùng thống nhất một quyết định.


Sự bất bình của anh cho thấy anh nghiêng về mục đích số hai. Anh muốn tham gia những quyết định của vợ.


Muốn vậy, anh buộc phải tham gia với tâm thế của một người đồng hành, phải trao đổi đến tận cùng, chủ động thúc đẩy cuộc trò chuyện đi đến thống nhất phương án cuối.


Việc này rất khác với việc “chia sẻ một vài điều mà anh biết”. Khi chia sẻ với tâm thế một người đồng hành, anh mới có quyền đòi hỏi được đối xử như một người đồng hành. Bằng không, anh sẽ chỉ là một “tư vấn viên”. Mà người tư vấn thì không tham gia vào quyết định của “khách hàng”.


Khi vợ anh bộc bạch rằng cô ấy thất vọng vì chồng “không quyết đoán”, có nghĩa rằng cô ấy từng kỳ vọng anh thể hiện ý kiến rõ ràng hơn. Trong lúc anh thất vọng vì vợ không theo ý mình, thì vợ anh đã thất vọng vì chồng không đi đến cùng trong đối thoại, không thiện chí tham gia.


Có thể anh không để ý: vợ anh mưu cầu một sự kết nối xuyên suốt giữa vợ chồng, còn anh thì tập trung vào hiệu quả của từng cuộc trò chuyện. Đó là lý do khiến anh chỉ thực sự tập trung và quyết liệt khi thấy chuyện đã căng.


Ngay như chuyện bán đất vừa qua, anh cũng chỉ mở lời với mục đích “cứu vãn tình hình”, chứ không nhằm hiểu và kết nối với vợ. Trong khi đó, giao tiếp vợ chồng thực sự cần một thiện chí kết nối xuyên suốt, chứ không chỉ rời rạc và “thực dụng” ở một vài tình huống.


Khi phân tích câu chuyện ở một logic khách quan như thế, chắc anh cũng thấy phản ứng của vợ trở nên dễ hiểu hơn, và có hướng khắc phục để giao tiếp vợ chồng được hiệu quả.


Khi giao tiếp vợ chồng thực sự hiệu quả, khi anh thể hiện hết vai trò của mình rồi, ta mới có cơ sở để bàn đến hành xử của vợ anh. Nhưng Hạnh Dung tin, khi anh tập trung và kết nối với vợ, anh sẽ có hướng giải quyết về các vấn đề.


Có thể, khi anh hiện diện một cách nhiệt tình trong mọi cuộc bàn bạc, vợ anh sẽ không “tự xử”, và cũng chẳng còn than cô ấy cô đơn nữa.


Chúc vợ chồng anh sớm tìm lại sự kết nối.



Theo Hạnh Dung (phunuonline.com.vn)


Nguồn: Người Lao động




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét