Tôi đã rút ra được kinh nghiệm và những bài học sâu sắc về cách tiếp cận tiết kiệm quá đà của mình không khiến bản thân có được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ hơn. Tiết kiệm ngặt nghèo, sống khổ sở đã dẫn tôi đến những sai lầm mà tôi đã phải trả giá.
(*) Bài viết là chia sẻ của Rocel Ubongen, một cô nàng ham học hỏi và phát triển. Cô đã đi du lịch vòng quanh thế giới, gặp gỡ và trải nghiệm những điều tuyệt vời đến từ các nền văn hóa khác nhau. Cô hiện đang sống tại Philippines và làm việc với tư cách là chuyên gia tư vấn kinh doanh sau khi hoàn thành chương trình cao học tại Nhật Bản.
Tôi đã nghĩ rằng nếu mình hy sinh mọi thứ trong giai đoạn đầu của cuộc đời, tiết kiệm một cách triệt để thì sẽ đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn.
Tuy nhiên, bất cứ điều gì quá mức đều dẫn đến tác hại nhiều hơn là lợi ích. Tôi đã rút ra được kinh nghiệm và những bài học sâu sắc về cách tiếp cận tiết kiệm quá đà của mình không khiến bản thân có được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ hơn. Tiết kiệm ngặt nghèo, sống khổ sở đã dẫn tôi đến những sai lầm mà tôi đã phải trả giá.
Từ những ngày còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã được tiếp xúc với những khái niệm như sở hữu tài sản và các bài học khác về tiền bạc thông qua cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo”. Đến khi học đại học, tôi thậm chí bắt đầu làm quen với thị trường chứng khoán ngay khi vừa chân ướt chân ráo.
Tôi thậm chí còn viết thư cho Reader’s Digest để yêu cầu cung cấp các thông tin về cách đầu tư vào thị trường. Tôi muốn được trang bị thật đầy đủ để có thể tối đa hóa số tiền của mình. Về cơ bản, tôi đã làm tất cả những gì mà một cô gái có trách nhiệm, có trình độ và sự nghiệp nên làm.
Tôi đã tiết kiệm được rất nhiều, có thể hỗ trợ tài chính cho bố mẹ, mua bảo hiểm, đầu tư vào thị trường chứng khoán bằng cách trực tiếp mua cổ phiếu và thông qua tài khoản quỹ tương hỗ và cắt giảm mọi khoản chi không cần thiết. Tôi cũng thực hiện đầu tư vào một số kênh khác. Gần như toàn bộ những đồng thu nhập ít ỏi mà tôi có đều được dùng vào việc đầu tư và tiết kiệm.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Vì luôn khép mình trong 2 chữ tiết kiệm, không bước ra ngoài nhiều nên tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ. Tôi im lặng trong những cuộc trò chuyện ở công ty và cả trong những bữa tối với bạn bè. Tôi thấy mình trở thành một kẻ thật tẻ nhạt. Ngay cả khi gặp gỡ nhiều người, tôi vẫn luôn cảm thấy mình không thú vị chút nào và không biết phải nói gì.
Tôi hiếm khi ra ngoài để xem phim nên cũng không biết gì về những bộ phim mới ra mắt. Tôi cũng chưa từng thử những quy trình chăm sóc da đang làm mưa làm gió, được giới trẻ ưa chuộng. Tôi không mua sắm ngay cả khi có chương trình khuyến mại giảm giá. Tôi cũng không thử các nhà hàng mới mở, các món ăn đang hot nhất thị trường. Tôi thậm chí còn không dám theo đuổi sở thích của mình vì cảm thấy rằng hầu hết chúng đều quá tốn kém để thực hiện.
Cuối cùng, tất cả những điều này đã khiến tôi phải thất vọng.
Khi tôi theo đuổi chương trình cao học ở nước ngoài (theo học bổng toàn phần), tôi cần có tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, bao gồm cả tiền ăn và tiền ở. Đây là lúc những hy sinh trước đây của tôi trở nên ý nghĩa thêm nhiều phần. Với những gì có được trong tay cộng thêm khoản trợ cấp học bổng, chúng thực sự gấp 2-3 lần khoản thu nhập trước đây của tôi và có thể giúp tôi sống ở nước ngoài khá thoải mái.
Và đó cũng là lúc, tôi quyết định đã đến lúc tận hưởng cuộc sống của mình!
Song vấn đề bắt đầu nảy sinh khi tôi không biết bản thân mình muốn gì. Vì trước đó tôi luôn tập trung vào việc làm sao để tiết kiệm được nhiều nhất nên bản thân có cái nhìn thiếu khách quan.
Tôi bắt đầu đi mua sắm hầu như mỗi cuối tuần. Tôi mua các sản phẩm chăm sóc da, thử tất cả những quán cà phê và nhà hàng có tiếng, bất chấp đắt đỏ. Tôi không ngừng mua quần áo, bất cứ khi nào cảm thấy thích thứ gì đó, ngay cả khi chúng có thể không vừa với mình.
Tôi đã mua sắm điên cuồng, làm những việc trước đây mình luôn tự giới hạn với bản thân. Trong những tháng đầu tiên sống ở nước ngoài, áp lực của việc học cao học, phải xa gia đình, bạn bè và sống một mình ở nơi đất khách quê người khiến tôi không biết làm gì khác ngoài việc tìm đến thú vui mua sắm.
Tôi đi tìm mua mọi thứ có thể đem lại niềm vui cho mình và nó thực sự đã trở thành cuộc tìm sai lầm. Tôi đã hoàn toàn quên đi những lời hứa về việc tiết kiệm, khoản cần đóng góp cho tài khoản tiết kiệm cá nhân hay quỹ khẩn cấp, gạt bỏ tất cả những bài học tài chính và kỷ luật mà mình đã xây dựng nên từ nhiều năm trước.
Sau những tháng ngày tận hưởng ở nước ngoài, tôi đã về nước trong sự kiệt quệ. Mọi thứ đòi hỏi tôi phải làm lại từ đầu và thậm chí tôi đã phải lấy tiền từ quỹ dành cho những ngày hưu trí. Điều may mắn chính là tôi có gia đình và bạn trai luôn sát cánh bên mình, sẵn sàng giúp đỡ và đưa ra cho tôi nhiều lời khuyên để có cái nhìn đúng đắn hơn về tài chính. Việc loại bỏ hoàn toàn các khoản chi tiêu cũng như cố tìm cách giảm cân một cách khắc nghiệt, sẽ dễ dẫn bạn đến tình trạng muốn nhanh chóng từ bỏ hoặc rơi vào trạng thái cuồng mua sắm, ăn bù những ngày trước.
Tha thứ cho bản thân vì sự phung phí và tiết kiệm lại từ đầu
Tôi phải thừa nhận rằng mình đã từng chìm đằm trong cảm giác tội lỗi, hối hận khi đã bỏ lỡ các cơ hội tăng cường cho quỹ tiết kiệm hay quỹ khẩn cấp bằng số tiền được học bổng hỗ trợ. Tuy nhiên giờ đây tôi đã thay đổi và thấy biết ơn vì mình sớm mắc phải sai lầm này. Một trong những bài học sâu sắc mà tôi đã học được từ các giáo sư trong thời gian học cao học: “Hãy phạm sai lầm sớm, càng lớn càng tốt và càng sớm càng tốt”.
Giờ đây, tôi sẽ không mắc phải những sai lầm mà mình đã gặp phải trước đó nữa. Tôi học hỏi được nhiều điều từ những trải nghiệm đã qua, những sai lầm từng khiến bản thân muốn từ bỏ. Tôi không còn ám ảnh về những ngày chi tiêu điên cuồng và học cách cân bằng lại cuộc sống. Tôi đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống của mình, từ những điều giản dị nhất.
Trước khi mua luôn tự hỏi bản thân câu này
Bài học tài chính quan trọng nhất mà tôi đã có được khi ở nước ngoài chính là cái giá phải trả cho việc không hiểu rõ bản thân, không biết điều gì có thể thực sự khiến mình hạnh phúc. Sau nhiều vấp ngã và sai lầm phạm phải, tôi đã nhận thức được rằng đâu là nơi mình nên chi tiền vào, đâu là nơi không nên. Tôi cũng biết loại trang phục nào phù hợp với mình, biết cách chăm sóc sức khoẻ tinh thần và vật chất. Tôi quan tâm hơn đến làn da của mình và giờ chúng đã không còn tình trạng mụn nổi loạn mỗi khi ngày ấy đến.
Nhìn chung, thói quen mua hàng của tôi đã trở nên có chủ đích hơn. Giờ đây, trước khi mua bất cứ thứ gì, tôi thường tự hỏi bản thân rằng món đồ này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình, đem lại nhiều lợi ích hay tác hại hơn. Và mỗi khi cảm thấy bản thân bị cám dỗ, tôi lại tự nhắc nhở mình về những lần đã phung phí trong quá khứ và nó thực sự không đáng.
Nhất định phải bám sát ngân sách
Trong thời kỳ đại dịch này, bạn có thể gặp rắc rối với công việc, giảm thu nhập hay thậm chí thất nghiệp không phải là điều không tưởng. Đó là lý do chúng ta cần nghiêm túc hơn với việc gia tăng tiết kiệm.
Tôi đã tiết kiệm bằng cách cắt giảm những thứ không cần thiết như ăn ngoài hay gọi giao đồ ăn. Tôi từng ghi chép lại mọi khoản chi tiêu từ lớn đến bé, tính toán bằng Excel để đảm bảo nhận thức rõ về tình hình và luôn ám ảnh về các con số. Tuy nhiên tôi nhận thấy điều này khiến mình căng thẳng hơn mức cần thiết.
Và rồi tôi đã đơn giản hóa mục tiêu cũng như phương pháp theo dõi của mình. Tôi phân bổ ngân sách cho từng loại chi phí và tự mình cân đối. Đến nay, tôi chưa bao giờ vượt quá số tiền mà mình đã đặt ra. Tôi cũng sử dụng ứng dụng ghi chú trên điện thoại để ghi lại các khoản chi tiêu lớn và theo dõi dòng tiền của mình tốt hơn.
“Bí quyết để có nền tài chính lành mạnh là biến việc quản lý tài chính trở thành một phong cách sống.”
Hãy hiểu về nhu cầu và mong muốn của bản thân. Không phải mọi khoản chi đều xấu. Việc chi tiêu cho những thứ giúp bạn phát triển là điều nên làm. Để có những thói quen tài chính lành mạnh, bạn cần có cái nhìn lành mạnh và đúng đắn hơn về tiền bạc.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét