GiadinhNet – Theo một số ghi chép và truyền khẩu, vua Minh Mạng có “bản lĩnh đàn ông” hơn người, có thể “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”.
Một trong những bài Minh Mạng thang chép tay bằng chữ Hán.
Và bí quyết để vua có thể vừa “tề gia” vừa “trị quốc” trọn cả đôi bề như vậy là do các ngự y trong triều đã bào chế ra một bài thuốc có công năng huyền diệu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Huế hiện vẫn lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến bài thuốc này, đặc biệt là những cuốn sách cổ chép tay của ngự y nổi tiếng Lê Văn Doãn hiện vẫn được hậu duệ bảo quản.
Sự thật về bài thuốc “Minh mạng thang”
Vua Minh Mạng (cũng gọi là Minh Mệnh) lên ngôi năm 30 tuổi vào tháng giêng năm Canh thìn (1820), là vị vua đời thứ hai của triều Nguyễn, là con trai thứ tư của vua Gia Long và bà Thuận Thiên Trần Thị Đang. Ông được đánh giá là một trong những vị vua nổi bật trong vương triều cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam với nhiều cải cách lớn trên mọi lĩnh vực của quốc gia. Đặc biệt, vua còn tự chế thành công một con tàu chạy bằng hơi nước vào năm 1839. Bên cạnh tiếng tăm với việc trị quốc, vua Minh Mạng còn nổi tiếng trong lịch sử với tư cách là vị quân vương có nhiều vợ và con nhất. Theo Nguyễn Phước Tộc Thể Phả (gia phả dòng họ của nhà Nguyễn) thì vua Minh Mạng có 43 bà vợ và họ sinh cho ông 142 người con, trong đó gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa.
Nhà nghiên cứu về Huế nổi tiếng Nguyễn Đắc Xuân cho biết, theo truyền khẩu, thông thường sau một ngày làm việc và thiết triều, vua Minh Mạng mỗi đêm chấm rồi cho thái giám gọi năm bà vào hầu hạ. Và theo “tính toán” của dân gian thì mỗi canh giờ vua lại “tiếp” một bà vợ. Vậy nhưng điều lạ, mặc dù có rất nhiều vợ và không mấy đêm bỏ bê trách nhiệm của một người chồng nhưng hằng ngày vua vẫn thiết triều làm việc rồi cưỡi ngựa không biết mệt mỏi. Không chỉ có thế, vua thường thức đến tận canh ba để làm việc. Chính những tố chất phi thường này nên người đời sau luôn tin rằng, ngoài sức khoẻ bẩm sinh, vua Minh Mạng còn được các ngự y bào chế cho những bài thuốc bồi bổ sức khoẻ rất hiệu nghiệm.
Không chỉ là những câu chuyện truyền miệng, từ cách đây khá lâu có một nhóm lương y tại Huế (Lê Quý Ngưu, Phan Tấn Tô, Nguyễn Thanh Thọ…) đã âm thầm sưu tầm các tài liệu cổ để nghiên cứu các bài thuốc còn lưu trữ tại các gia đình hoàng tộc, hay các ngự y của triều đình Huế. Theo kết quả nghiên cứu của các lương y này thì “Minh Mạng thang” là có thực, đó là một bài thuốc tổng hợp, tuỳ theo mục đích mà được phối hợp giữa các vị thuốc khác nhau. Bình quân mỗi bài thuốc có khoảng 22 -25 vị, ít nhất 13 vị và nhiều nhất đến 73 vị. Trong đó, bài thuốc được bào chế đầu tiên có tên là “Độc hoạt kí sinh thang”, gồm có 15 vị. Bài thuốc này đã được nhắc đến trong quyển thứ 8 bộ Bị cấp thiên kim của nhà y dược học nổi tiếng Tôn Tư Mạo thời Tuỳ Đường (Trung Quốc). Công dụng của bài thuốc này là dùng để trị gan thận suy nhược, phong thấp gây nên tình trạng đau vùng thắt lưng và đùi.
“Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” hay “Nhất dạ ngũ giao sinh ngũ tử” chẳng qua chỉ là cách nói quá mà thôi. Trong số các hoàng tử công chúa của vua Minh Mạng có tuổi bằng nhau ít thấy ai ra đời cùng tháng chứ đừng nói tới cùng ngày”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bình luận.
Bài thuốc trên nếu được kết hợp dùng đồng thời với bài “Thập toàn đại bổ” (gồm địa sinh, bạch thược, xuyên khung, đương quy, đẳng sâm, bạch linh, bạch truật, thanh thảo, huỳnh kì và nhục quế) có công dụng đại bổ khí huyết thì càng hiệu quả trong việc điều trị những chứng đau thắt lưng, nhức mỏi vùng hạ chi… Ngoài ra, các vị lương y còn tìm thấy bài thuốc “Quy tì thang” (gồm tổng thể 12 vị) trong bộ “Tế sinh phương” của Nghiêm Dụng Hoà đời Tống (Trung Quốc) cũng nằm trong bộ bài thuốc từng được bào chế cho vua Minh Mạng dùng. Bài thuốc “Quy tì thang” có công dụng để bổ tâm tì hư yếu, ăn không ngon, hay mất ngủ và hay hồi hộp, đồng thời tay chân nhức mỏi, da thâm… Và điều đặc biệt là cả bài thuốc trên cùng có một công dụng khác là nhằm tăng cường khả năng tình dục.
Y văn cổ hiếm có
Ngoài ra, các lương y còn tìm thấy một số bài thuốc cổ được hậu duệ gia đình các ngự y trước đây lưu giữ. Có thể kể đến như bài “Lục giao tam dụng” (gồm 23 vị) nhằm bổ âm dưỡng huyết và bài thuốc “Ngũ giao tam dụng (gồm 25 vị) dùng để chữa thận dương hư suy. Tuy nhiên, đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến hai bài thuốc nổi tiếng từ trước đến này là: “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” (Một đêm ngủ với 6 bà thì 5 bà có tin mừng) và “Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử được tìm thấy trong một bản chép tay của ngự y danh tiếng từng phục vụ qua năm đời vua Nguyễn là cụ Lê Văn Doãn (1873-1947). Tài liệu quan trọng này đang được cụ bà Lê Thị Ngà trú tại làng Nguyệt Biều (nay phường Thuỷ Biều, TP Huế)- là hậu duệ của lương y Lê Văn Doãn cất giữ.
Nói về hai bài thuốc nổi tiếng này, lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ tĩnh đường Liên Hoa (đồng thời là sư thầy trụ trì chùa Pháp Luân) cho biết: Theo nghiên cứu của chúng tôi, cụ ngự y Lê Văn Doãn là một lương y danh tiếng trong thời vua chúa triều Nguyễn, đã để lại nhiều tài liệu về y thuật quý. Đó là những kinh nghiệm quý báu mà cụ đúc kết lại qua quãng thời gian làm quan ngự y trải qua năm đời vua của vương triều họ Nguyễn. Cụ ngự y Lê Văn Doãn đã để lại một di sản đồ sộ về y học và đến nay gia đình cụ còn lưu giữ một số sách, vở còn có giá trị như: Lý luận Đông y, Mạch lý trong Đông y, Phương thanh và phương tễ và cuốn “Kinh nghiệm trị liệu”. “Từ những tài liệu ấy chúng tôi đã phối hợp với Sở y tế Thừa Thiên- Huế, để nghiên cứu phương pháp trị liệu và đã được xuất bản”, lương y Thích Tuệ Tâm cho biết.
Sư thầy Thích Tuệ Tâm trao đổi với PV.
Nói về hai bài thuốc “xuân dược” nổi tiếng do cụ ngự y Lê Văn Doãn để lại, sư thầy lương y Thích Tuệ Tâm cho biết: bài thuốc “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” và “Nhất dạ ngũ giao tứ tử” đều có trên 20 vị thuốc thành phần trở lên. Nó có công dụng rất hiệu nghiệm đối với những người yếu sinh lý. Tuy nhiên, khi sử dụng cần phải được thầy thuốc khám và kê đơn cho phù hợp bệnh lý và thể trạng. Bài thuốc “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” chỉ thích hợp cho người trên 40 tuổi trở lên còn bài “Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” chỉ thích hợp cho người từ 30 đến 40 tuổi. Hai bài thuốc này đều dùng được kể cả nam lẫn nữ. Cũng theo lương y Thích Tuệ Tâm, theo bài thuốc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử là loại thuốc chuyên chữa bệnh đâu lưng, gan, các khớp… thì tốt nhất (lưu ý sau khi bốc một thang thuốc thì đổ 4 lít rượu (ngon nhất) vào ngâm và ngâm khoảng 10 đến 15 ngày là uống được nhưng cũng không nên lạm dụng quá liều dẫn đến tác dụng phụ như gây mệt mỏi và khó ngủ thậm chí có thể gây rối loạn sinh lý.
Phi Long
Theo: Gia đình
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét