GiadinhNet – Bỗng dưng cơ thể bị mẩn ngứa, nhiều người thường nghĩ mình bị ghẻ nước hoặc dị ứng rồi tự ý mua thuốc về bôi.
Ảnh minh hoạ.
Song các chuyên gia y tế cho biết: Trong số các trường hợp bị mẩn ngứa kéo dài, có đến 40- 50% người bị chàm. Trong khi đó đây là căn bệnh có biến chứng khá nguy hiểm.
Tưởng ghẻ hóa ra chàm… nguy hiểm
Ứng xử khi mắc bệnh chàm: Không nên chà xát, gãi vào chỗ tổn thương vì sẽ làm cho tổn thương da dầy lên và nhiễm trùng. Nên rửa vùng tổn thương nhẹ nhàng bằng nước muối loãng. Kiêng ăn những thức ăn có thể gây dị ứng như tôm, cá…
Anh Nguyễn Văn Đại, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đưa con trai đi khám bệnh tại phòng khám Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Con trai tôi bị triệu chứng ngứa cách đây hai năm; Nhưng thời gian đầu cháu giấu, vì chỉ thấy có một vài nốt ngứa. Sau triệu chứng ngứa cứ tăng dần và các nốt cũng dầy thêm. Tôi đoán là cháu bị ghẻ, mua thuốc cho cháu bôi nhưng mãi vẫn không khỏi. Nói đi khám thì cháu ngại, không đi. Tôi dọa thêm, sợ quá nên cháu mới đi khám ở bệnh viện huyện. Bác sĩ kết luận: Bị chàm vùng kín, rồi kê đơn thuốc uống, thuốc bôi nhưng không đỡ! Hôm nay tôi quyết định cho cháu lên tuyến trên xem sao?!”. Theo anh thì bệnh của con trai giờ đã chuyển sang mãn tính vì nốt sẩn rất nhiều. Cứ đến tối khi đi ngủ là ngứa ngáy rất khó chịu.
Khoảng gần năm nay, anh Trần Đình Phương, phố Cát Bi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cũng cảm thấy ngứa ở “vùng kín”. Bôi mấy loại thuốc, thậm chí đun nước lá để ngâm… nhưng vẫn không thấy đỡ. Càng ngày cảm giác ngứa càng tăng hơn trước rất nhiều. Những chỗ ngứa cứ đỏ ửng lên, xuất hiện các mụn nước nhỏ như rôm, loang rộng. “Có đôi lần tôi định đi khám nhưng chỉ nghĩ nó là ngứa dị ứng thông thường, cùng lắm là ghẻ nên mua thuốc về bôi nhưng bôi mãi chẳng khỏi. Ngứa thì đương nhiên mình tôi chịu nhưng kỳ thực cả vợ cũng buồn lây vì cảm giác ngứa ngáy, thiếu sạch sẽ làm tôi không còn hứng thú với chuyện chăn gối nữa. Nhiều khi cố chiều vợ nhưng cảm giác đau rát không chịu nổi nên tôi chủ trương “cai” cho nhanh khỏi. Nhưng càng ngày vết ngứa lại loang rộng thêm. Sợ quá, tôi quyết định đi khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh chàm “túi lạc”.
Chị Nguyễn Huyền Linh, phố Quang Trung, Hà Nội cũng cho biết: “Khi đi khám tôi mới biết mình bị chàm vùng kín. Đầu tiên thì cứ tưởng do rửa nước vệ sinh không hợp nên ngưng sử dụng nhưng vẫn không thấy đỡ. Việc bị chàm làm tôi mất hết cảm giác tự tin khi ân ái vợ chồng. Từ thiếu tự tin cảm giác thăng hoa cũng mất luôn. Bây giờ tôi cũng đang phải “kiêng khem” cho bệnh tình khỏi hẳn để lấy lại phong độ…”.
Nguy cơ nhiễm trùng, viêm thận
“Khi đi khám tôi mới biết mình bị chàm vùng kín. Đầu tiên thì cứ tưởng do rửa nước vệ sinh không hợp nên ngưng sử dụng nhưng vẫn không thấy đỡ. Việc bị chàm làm tôi mất hết cảm giác tự tin khi ân ái vợ chồng. Từ thiếu tự tin cảm giác thăng hoa cũng mất luôn. Bây giờ tôi cũng đang phải “kiêng khem” cho bệnh tình khỏi hẳn để lấy lại phong độ…”.
Theo các chuyên gia, việc nhầm lẫn bệnh chàm với các bệnh ghẻ, nấm khá phổ biến. Trong số những người chẳng may bị ngứa vùng kín có đến 40-50% là bị chàm. Tuy nhiên, bệnh nhân thường coi nhẹ sự nguy hiểm do tự chẩn đoán, bắt bệnh. Không hiếm nam giới khi mắc bệnh chàm sinh dục thường tỏ ra coi thường, vì không cảm nhận thấy bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe. Khá nhiều bệnh nhân đã chuyển sang mãn tính, thậm chí nhiễm trùng dẫn đến biến chứng viêm thận. Vì vậy, nếu thấy mắc các triệu chứng của bệnh chàm, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời, triệt để, tránh tự ý dùng thuốc.
Theo GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ: Các triệu chứng của chàm là mảng da đỏ, nổi mụn nước hoặc tróc vảy. Bệnh chàm có biểu hiện ở hầu hết các vùng da trên cơ thể nhưng xuất hiện phổ biến nhất là ở tứ chi, thân mình, mặt, vùng kín…
Triệu chứng ngứa là điển hình nhất- Nghĩa là xuất hiện ngay từ thời kỳ đỏ da cho đến cuối giai đoạn. Khi người bệnh gãi càng làm vỡ các dưỡng bào sẽ phóng thích ra các histamin gây ngứa thêm. Chị em phụ nữ chú ý: Băng vệ sinh, các sản phẩm vệ sinh không đảm bảo… cũng có thể là tác nhân gây chàm “vùng kín”.
Theo BS. Nguyễn Thành, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương: Bệnh này thường xảy ra với những người có cơ địa hay dị ứng, bệnh có tính di truyền. Riêng chàm ở bộ phận sinh dục là một bệnh khó điều trị vì nằm ở vùng kín. Bệnh chỉ có biến chứng tại chỗ như da dày lên, đôi khi loét hoặc có mủ ở tổn thương do gãi hoặc chà xát nhiều. Về điều trị, vì là bệnh do cơ địa nên khó điều trị dứt hẳn, không thể lột da hay đốt như mụn cóc được.
Cũng theo BS chuyên khoa da liễu, khi tổn thương da chảy nước thì bệnh nhân nên đắp dung dịch jarish, khi tổn thương khô thì có thể bôi các loại hồ nước, hồ tetrapred. Khi tổn thương mạn tính không còn chảy nước thì có thể bôi các chế phẩm chứa steroid có hoạt phủ nhẹ và vừa phù hợp với dùng da sinh dục như: Eumovate, Synalar, Fucicort, Elomet… Đặc biệt, bệnh nhân tuyệt đối không được cạo, trà sát mạnh vào vết tổn thương. Nên rửa nhẹ nhàng ngày một lần, dùng một đợt kháng sinh và thuốc kháng Histamin để giảm ngứa. Khi đã bị mãn tính có thể tiêm một đợt thuốc giảm mẫn cảm như Histaglobin nhưng phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ chuyên khoa da liễu.
Kỳ Anh
Theo: Gia đình
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét