Khi phát hiện thai nhi dị tật, bác sĩ đã khuyên mẹ bầu này nên cân nhắc việc đình chỉ thai kỳ nhưng cô kiên quyết từ chối.
Trong thời gian mang thai, chắc hẳn bà mẹ nào cũng mong muốn con phát triển khỏe mạnh, chào đời lành lặn, suôn sẻ. Vậy nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp kém may mắn, em bé xuất hiện bất thường về nhiễm sắc thể, hình thái của một hay nhiều cơ quan ngay từ trong bụng mẹ. Với những trường hợp dị tật nghiêm trọng, bác sĩ thường đưa ra lời khuyên đình chỉ thai kỳ. Như bà mẹ dưới đây cũng vậy.
Câu chuyện về bà mẹ họ Trần (sống tại Trung Quốc) và con gái được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Như bao người phụ nữ khác, sau khi kết hôn, chị Trần luôn mong muốn được mang thai, làm mẹ. Vậy nhưng vợ chồng chị buộc phải “kế hoạch” 3 năm để kinh tế gia đình ổn định rồi mới tính chuyện con cái.
Đến khi nhận tin vui đã mang bầu, chị Trần vô cùng hạnh phúc. Vậy mà niềm vui ngắn chẳng tày gang khi trong một lần siêu âm thai, bác sĩ thông báo em bé trong bụng bị dị tật khuyết hoàn toàn tứ chi. Những trường hợp này được gọi là “bào thai hải cẩu”, rất hiếm khi xảy ra.
Bác sĩ gọi thai nhi của chị Trần là “hải cẩu” vì bé bị dị tật thiếu tứ chi.
Nghĩ về tương lai của người mẹ và đứa trẻ, bác sĩ khuyên chị Trần nên cân nhắc việc đình chỉ thai kỳ. Ngay cả chồng và người thân cũng khuyên cô nên từ bỏ để sau này sinh bé khác. Vậy nhưng bà mẹ hàng ngày cảm nhận từng chuyển động của đứa con trong bụng làm sao có thể đành lòng.
Vậy là bất chấp mọi lời khuyên can, chị Trần quyết tâm giữ thai. “Dù con tàn tật cũng là con của mẹ. Mẹ muốn dành tất cả yêu thương cho con”, mẹ bầu tự nhủ. Không chỉ vậy, cô cũng ôm trong lòng một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng kết quả siêu âm có nhầm lẫn, con chào đời sẽ khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Đáng tiếc thay, không có phép màu nào xảy ra như chị Trần mong mỏi. Ngày sinh con, chị thật sự sinh một bé gái thiếu cả tứ chi. Nhưng ngoài vấn đề đó, các bộ phận khác của bé đều bình thường, sức khỏe ổn định. Chị Trần ôm bé về nhà và bắt đầu bước vào hành trình làm mẹ gian nan gấp nhiều lần so với người khác.
Chị Trần rất vất vả khi quyết định giữ và sinh con.
Việc chăm sóc một đứa trẻ khuyết tật thực sự vất vả gấp nhiều lần, không những vậy, cô còn phải nhận những ánh mắt soi mói từ người khác, cuộc sống xuất hiện nhiều khó khăn.
Một đứa bé như vậy dù đi đâu cũng dễ bị người khác chế giễu, nhưng điều đáng an ủi là khuyết tật về thể chất đã khiến cô bé trở nên rất mạnh mẽ, lanh lợi, tự làm được nhiều việc. Sau 6 năm, bây giờ bé gái đã được lắp chân giả, có thể đi đứng như những đứa trẻ khác, có thể viết, hát và nhảy. Đặc biệt, mỗi khi gặp khó khăn, con bé đều không bao giờ khóc, lúc nào cũng dũng cảm tự làm mọi thứ. Nhìn con gái như vậy, chị Trần cũng cảm thấy được an ủi và tự hào với quyết định giữ con của mình.
Cô bé “hải cẩu” nay đã 6 tuổi, vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ.
Để phòng ngừa nguy cơ thai nhi bị dị tật, các bà mẹ cần làm những việc sau:
– Trước khi mang thai, cả hai vợ chồng cần khám sức khỏe tổng quát.
– Trước và trong khi mang thai, vợ chồng cần bỏ hút thuốc lá và uống rượu.
– Hạn chế đến gần nơi có hóa chất độc hại, nguy hiểm, phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
– Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đầy đủ trái cây, rau củ quả.
– Trước và trong thai kỳ cần bổ sung axit folic đầy đủ.
Xem thêm chủ đề Siêu Âm Thai
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét