4 cách cải thiện mối quan hệ công việc cực hiệu quả

4 cách cải thiện mối quan hệ công việc cực hiệu quả



Bằng cách nhận ra những nền tảng then chốt để duy trì và phát triển các kết nối lành mạnh, bạn sẽ tạo sự gắn bó hơn với mọi người và cảm thấy hài lòng hơn trong công việc.



Công việc của rất nhiều người giờ đây có những khác biệt so với thời gian trước kia. Có thể bạn đang phải làm việc ở nhà hay đang đi làm nhưng không còn những bữa trưa cùng đồng nghiệp để hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; cũng có thể bạn đã chuyển sang nơi làm việc mới và tự hỏi mình làm sao để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp mới này.


Dù ở tình huống nào thì nhiều người trong số chúng ta cũng đang tự hỏi về cách làm sao để có thể kết nối tốt nhất với đồng nghiệp của mình khi môi trường làm việc đang có những thay đổi lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh.


Theo khảo sát, có tới 46% người Úc được hỏi nói rằng họ muốn xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn tại nơi làm việc song 57% thừa nhận rằng việc tìm cách gắn kết với mọi người trong môi trường làm việc đang có nhiều thay đổi thực sự là thách thức. Bên cạnh đó, cứ 2 người thì có 1 người cảm thấy rằng các mối quan hệ tại nơi làm việc đang giữ vị trí quan trọng hơn so với thời điểm trước đại dịch.


Vậy, chúng ta cần gì để xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đồng nghiệp của mình?


Nhà tâm lý học Sabina Read cho biết, có một số yếu tố mang tính then chốt giúp bạn thiết lập và duy trì các mối quan hệ công việc. Cô chia sẻ: “Yếu tố đầu tiên là sự gần gũi, khoảng cách song đối với nhiều người trong số chúng ta, điều này đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.



Bạn sẽ dễ giữ được mối quan hệ với đồng nghiệp tốt hơn khi mọi người cùng làm việc trong một không gian song điều đó không có nghĩa là bạn không có cách nào khác để phát triển các mối quan hệ công việc mới và duy trì những mối quan hệ hiện có khi làm việc ở nhà.”


Tăng tần suất




4 cách cải thiện mối quan hệ công việc cực hiệu quả







“Khi chúng ta không thể làm việc gần nhau ở nơi văn phòng, tần suất bạn kết nối với đồng nghiệp trở nên quan trọng hơn nhiều,” chuyên gia Sabina chia sẻ.


“Bạn không thể chỉ liên lạc với họ mỗi tháng 1 lần và nghĩ rằng như vậy là đủ để duy trì một mối quan hệ công việc tốt đẹp.”


Theo lời khuyên của chuyên gia này, bạn nên chủ động “nuôi dưỡng” mối quan hệ của mình với đồng nghiệp bằng cách gửi email, tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn thoại, những cuộc gọi điện thoại hay video… bất cứ cách nào có thể khiến mọi người cảm thấy được kết nối với nhau.


“Nếu bạn không tham gia vào các mối quan hệ công việc của mình và cam kết duy trì chúng, mối quan hệ của bạn sẽ ngày càng thiếu đi sự gắn kết và lâu dần, điều này ảnh hưởng đến sự hài lòng của bạn trong công việc.”


Hãy suy nghĩ về mức độ thường xuyên bạn kết nối với đồng nghiệp của mình và đặt lịch để trò chuyện, liên lạc với mọi người nhiều hơn. Có thể ban đầu chỉ là tăng thêm liên lạc mỗi tuần một lần, sau dần bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn xảy ra khi bạn tăng cường kết nối với đồng nghiệp.


Tìm kiếm những điểm tương đồng


Nhớ rằng, những điểm tương đồng mà bạn có với đồng nghiệp có thể giúp các bạn xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và bền chặt. “Những điểm tương đồng giữa bạn và đồng nghiệp có thể liên quan đến công việc như cùng quan tâm đến vai trò quản lý hoặc cùng muốn học một kỹ năng mới chẳng hạn. Bạn cũng có thể tìm kiếm những điểm tương đồng ngoài công việc như bạn và chị đồng nghiệp cùng có con trong lứa tuổi mẫu giáo hay nhà ở cùng khu…”.


Những điểm tương đồng này sẽ là những viên gạch vững chắc giúp bạn xây dựng, thiết lập và duy trì các kết nối. Bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện để hỏi người đồng nghiệp của mình về một vấn đề hoặc xin lời khuyên về lĩnh vực cả hai cùng quan tâm. Họ sẽ cảm thấy rất vui và cởi mở khi có ai đó chủ động hỏi han trò chuyện.


Có qua có lại


4 cách cải thiện mối quan hệ công việc cực hiệu quả


“Chúng ta có xu hướng bị thu hút bởi những người mà chúng ta nghĩ rằng họ bị thu hút bởi chúng ta,” Read chia sẻ. “Bởi vậy bạn hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về từng đồng nghiệp của mình và những gì bạn có thể làm cho họ.”


Nếu có một đồng nghiệp muốn phát biểu trong các cuộc họp nhưng lại cảm thấy khó khăn, bạn có thể giúp họ phát triển sự tự tin bằng cách những cách khéo léo và tế nhị. Ví dụ: Bạn có thể khuyến khích họ chia sẻ suy nghĩ của mình trong một cuộc họp bằng cách nói những câu như: “Thư! Tôi biết bạn có một số ý tưởng tuyệt vời cho vấn đề này, bạn nghĩ sao?”.


Hành động này của bạn nhằm gửi tới họ thông điệp rằng bạn luôn ủng hộ họ. Đồng nghiệp của bạn sẽ cảm thấy rằng được hỗ trợ và cũng sẽ tìm cách hỗ trợ bạn trong tương lai.


Phát triển các mối quan tâm chung


Trong số những cuộc trò chuyện nơi công sở, chiếm một phần không nhỏ là các cuộc trò chuyện về mối quan tâm chung. Theo nhà tâm lý học Sabina Read:


“Hãy xem xét những điểm chung mà bạn có với đồng nghiệp của mình. Có thể bạn có chung sở thích về một đội bóng hay cách nuôi dạy con cái. Việc chủ động chia sẻ về bản thân sẽ khiến người khác có sự thấu hiểu bạn hơn và khơi dậy sự tò mò từ những người xung quanh”.


Bạn có thể tận dụng các ứng dụng làm việc hoặc mạng xã hội để tạo ra kênh giao lưu cho những người có chung sự quan tâm, phát triển các điểm chung đó lên nhằm nâng cao chất lượng mối quan hệ làm việc của mình.


Khi dịch bệnh đang ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ với đồng nghiệp của chúng ta có thể hơi khác so với những gì trước đó. Tuy nhiên bằng cách nhận ra những nền tảng then chốt để duy trì và phát triển các kết nối lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể tạo sự gắn bó hơn với mọi người và cảm thấy hài lòng hơn trong công việc.






Theo Nguyễn Hường (Theo SEEK) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Nguồn: Eva




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét