Chỉ 1 câu hỏi có thể giúp bạn nhận ra mình giàu có hơn vẫn tưởng

Chỉ 1 câu hỏi có thể giúp bạn nhận ra mình giàu có hơn vẫn tưởng



“Bạn có thể lái một chiếc BMW trị giá 40.000 USD, sống trong ngôi nhà trị giá 500.000 USD, nhưng nếu bạn đang mắc nợ 600.000 USD, thì bạn thực sự còn không giàu bằng một đứa trẻ 7 tuổi”.



(*) Bài viết là chia sẻ của Emmie Martin, người có nhiều bài viết hay về tài chính, tiền bạc, sự nghiệp… được đăng trên CNBC và Bussiness Insider.


Để đủ điều kiện bước vào tầng lớp thượng lưu ở Mỹ, một gia đình có 4 người cần kiếm được thu nhập hàng năm trung bình ở mức 144.251 USD (tương đương khoảng 3,3 tỷ đồng) và ở một số thành phố có phức chi phí đắt đỏ hơn, con số này còn cần lớn hơn nhiều. Để lọt vào top 1% những người đứng đầu ở Mỹ, bạn cần mang về mỗi năm ít nhất 389.436 USD (tương đương khoảng 9 tỷ đồng).


Nhưng liệu một trong hai con số kia có phải là điều để chứng minh sự giàu có không? Điều này là phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa về sự giàu có.


Đối với Derek Sall, một blogger tài chính cá nhân và nhà phân tích tài chính, vấn đề không phải là bạn mang về được bao nhiêu tiền mỗi tháng mà là bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu. Theo anh, tất cả những gì bạn cần để xác định xem bản thân có phải người giàu có không chính là tự trả lời một câu hỏi: “Nếu ngày mai bạn mất việc, bạn có thể duy trì cuộc sống tiếp tục được bao lâu?”.


Thật dễ dàng để đánh giá sự giàu có của một người thông qua những gì bạn thấy họ sở hữu, tuy nhiên theo lập luận của Sall, của cải vật chất không nói lên tình trạng tài chính thực sự của của bạn.


“Bạn có thể lái một chiếc BMW trị giá 40.000 USD, sống trong ngôi nhà trị giá 500.000 USD, nhưng nếu bạn đang mắc nợ 600.000 USD, thì bạn thực sự còn không giàu bằng một đứa trẻ 7 tuổi,” nhà phân tích tài chính chia sẻ quan điểm.



Chỉ 1 câu hỏi có thể giúp bạn nhận ra mình giàu có hơn vẫn tưởng


Để trả lời câu hỏi của chính mình, Sall đã phát triển một thang đo để định lượng sự giàu có. Dưới đây là mức độ sung túc mà theo anh, phụ thuộc vào khoảng thời gian bạn có thể duy trì cuộc sống khi không có thu nhập:


Dưới một tháng: Nguy hiểm


1 đến 3 tháng: Bấp bênh


3 đến 6 tháng: Đạt yêu cầu


6 tháng đến 2 năm: Khá giả


2 đến 5 năm: Giàu có


Từ 5 năm trở lên: Cực kỳ giàu có


Định nghĩa về sự giàu có này cũng là một trong những điểm mấu chốt được rút ra từ tác phẩm kinh điển về tài chính cá nhân của Robert Kiyosaki “Cha giàu, cha nghèo”. Tác giả của cuốn sách đã lớn lên với hai hình tượng người cha: “người cha nghèo” là cha đẻ của ông, người luôn chìm đắm với những đống nợ và “người cha giàu có” là cha nuôi của ông, người đã bắt đầu từ con số ít ỏi để gây dựng nên sự giàu có. Cả hai người cha này đều thành công trong sự nghiệp và kiếm được thu nhập đáng kể nhưng 1 trong 2 luôn gặp khó khăn về tài chính.


Khi quan sát họ, Kiyosaki nhận ra rằng những gì bạn kiếm được không nhất thiết sẽ là thứ làm cho bạn giàu có. “Vấn đề không phải là số tiền bạn kiếm được, đó là số tiền bạn giữ được”. Người giàu không chỉ tiết kiệm tiền, họ còn biết cách khiến những đồng tiền đó làm việc, sinh sôi nảy nở.


Để tăng cường sự giàu có của mình, hãy bắt đầu bằng cách xây dựng một quỹ khẩn cấp. Các chuyên gia thường khuyên bạn nên tiết kiệm cho quỹ này tương đương chi phí sinh hoạt từ 3 đến 6 tháng, nhưng con số này không cố định, có thể tuỳ thuộc vào quan điểm. Tỷ phú Mark Cuban nói rằng bạn hãy để ra ít nhất 6 tháng, trong khi cựu người dẫn chương trình CNBC Suze Orman lại cho rằng con số này nên là từ 8 đến 12 tháng.


Tiếp sau đó, hãy bắt đầu phát triển các tài sản tạo ra thu nhập. Sall chia sẻ: “Khi bạn sở hữu cổ phiếu, tài sản cho thuê hoặc thậm chí có thể là một công việc kinh doanh phụ đang phát đạt, mặc dù bạn đã mất công việc chính hàng ngày nhưng bạn vẫn có các nguồn thu nhập khác hoạt động. Với các nguồn thu nhập đó, bạn có thể tiếp tục cuộc sống như chưa hề có chuyện gì xảy ra.”


“Bây giờ, đó mới chính là điều tôi gọi là giàu có”, nhà phân tích tài chính chia sẻ.






Theo Bảo Anh. (Theo CNBC) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)

Nguồn: Eva




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét