“Lợi ích của việc trẻ ngồi vẽ một giờ sẽ hơn hẳn việc ngồi xem chương trình giải trí trong vòng 9 giờ”.
Nhà giáo dục người Mỹ John Caldwell Holt từng nói: “Lợi ích của việc trẻ ngồi vẽ một giờ sẽ hơn hẳn việc ngồi xem chương trình giải trí trong vòng 9 giờ”.
Vẽ tranh là hành trình mà trẻ có thể tiếp xúc với nghệ thuật và cảm thụ cuộc sống. Những trải nghiệm non nớt đầu tiên của trẻ sẽ được lồng ghép trực tiếp vào các bức tranh, điều này rất có ích cho sự phát triển trí não cũng như tính cách của trẻ về sau.
Ngày nay, nhu cầu học nghệ thuật tăng cao nên rất nhiều phụ huynh quan tâm đến bộ môn hội họa. Để đáp ứng đúng sở thích cũng như giúp trẻ phát triển sự sáng tạo toàn diện, cha mẹ cần có cái nhìn đúng đắn về việc cho con học vẽ.
Quyết định cho học vẽ vì không muốn con nghiện điện thoại
Cùng với việc cho con sử dụng điện thoại thông minh từ sớm, rất nhiều phụ huynh ngày nay lo lắng khi trẻ dần xem “thế giới ảo” là bạn. Ngán ngẩm với tình trạng con ăn vạ, khóc lóc mỗi khi không được sử dụng điện thoại, trong một lần tình cờ, chị L.T.M.N (quận 10, TP.HCM) gửi con học vẽ cùng một người chị họ. Thật kỳ lạ là con gái của chị rất say mê, thích thú bộ môn này. Khi về nhà cũng cặm cụi vẽ chứ không đòi mẹ cho xem điện thoại như mọi khi.
Chị cho biết: “Từ khi mình cho con học vẽ, con sáng tạo và phân biệt màu sắc cực tốt. Bé tưởng tượng ra đủ thứ, nhìn cái gì cũng liên hệ đến tác phẩm đã vẽ. Nhìn cái áo trắng thì nói như con ma, vẽ một vài dòng ngoằn ngoèo thì tưởng tượng ra sóng biển. Nhưng mà mừng một cái là từ ngày cho con đi học vẽ, con hạn chế dùng điện thoại rất nhiều.”
Với chị N.T.N (quận 3, TP.HCM) có con đang tham gia vào một lớp học vẽ, bà mẹ này lại cho biết: “Con trai mình thuộc dạng ít nói và rất ngại giao tiếp với mọi người, nhưng bé lại đặc biệt thích vẽ. Mỗi lần được đi học vẽ là đòi mẹ chở đi học thật sớm và về muộn, buổi tối thay vì cho bé xem phim hoạt hình trên điện thoại thì mình cho bé tập vẽ trên máy, bé rất thích và hỏi ba mẹ rất nhiều điều về màu sắc, con vật. Từ ngày con đi học vẽ, nhà mình có rất nhiều tranh đẹp để treo trang trí. Bé còn vẽ tặng người thân, họ hàng. Ai đến nhà cũng khen nức nở.”
Một số em học sinh đang tham gia khóa học vẽ tại một trung tâm dạy vẽ.
Ngoài giáo viên, các học viên nhỏ tuổi cũng được các anh chị lớn tuổi hơn chỉ dẫn trong quá trình học vẽ.
Với học phí vào khoảng tầm 400.000 đến 1.000.000 đồng cho một khóa học vẽ trẻ em thông thường hoặc 4.000.000 cho 8 buổi học ở những trung tâm nghệ thuật chuyên sâu, rất nhiều cha mẹ Việt ở các thành phố lớn hiện nay lựa chọn gửi con đi học vẽ. Mỗi tuần trẻ có thể học từ 1-3 buổi tuỳ theo sắp xếp của phụ huynh và hoàn toàn không ảnh hưởng việc học chính thức của bé bởi đa phần các lớp năng khiếu này đều diễn ra vào buổi tối hoặc cuối tuần.
Hội họa khơi dậy niềm yêu thích trong trẻ – Nếu có thể, hãy cho con đi học vẽ càng sớm càng tốt
Chị T.T.K.V (Giáo viên Trường Quốc tế Á Châu – Bậc Tiểu học IPS) chia sẻ: “Khi học vẽ, các con rất hứng thú. Dù những nét vẽ còn nguệch ngoạc, tô màu còn lem luốt nhưng các con rất tự hào khoe với cô, khoe với ba mẹ đây là bức tranh con vẽ đẹp nhất.
Có bé khi ra về còn ôm bức tranh khư khư không cho ai chạm vào. Đợi khi ba mẹ đến đón con thì chạy ùa tới khoe với ba mẹ. Bé vui sướng hân hoan vì đây là thành quả cả tiết học với những bức tranh đầy màu sắc.”
Các em học sinh đang tô điểm lại bức tranh của mình.
Mỗi bức tranh chính là sự tái hiện những gì mà con trẻ quan sát được. Dù không diễn tả tốt được bằng lời nói nhưng thế giới nội tâm của các bé đôi khi nhạy cảm hơn người lớn.
Theo các chuyên gia, khoảng từ 3-4 tuổi là thời điểm vàng để con đi học vẽ. Giai đoạn này, trẻ đã đủ nhận thức và có thể phát triển tư duy sáng tạo. Khi ấy năng lực quan sát, độ tập trung, ghi nhớ, trí tưởng tượng của trẻ phát triển đến mức độ cao.
Hội họa chính là môi trường giúp con phát huy khả năng sáng tạo và bày tỏ cảm xúc. Cho con trẻ vẽ thường xuyên sẽ giúp trí não trẻ được vận động tốt hơn, thông minh hơn thay vì sử dụng smart phone để xem các chương trình giải trí
Hội họa giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, khả năng tập trung cao.
Cha mẹ – Hậu phương vững chắc cho việc học vẽ của con
Để trẻ có thể nuôi dưỡng đam mê và sự thích thú, điều đầu tiên cần tạo cảm giác thoải mái, động viên trẻ. Các mẹ có thể khen thưởng khi con vẽ được một bức tranh, đó có thể là món quà nho nhỏ để phục vụ cho việc học vẽ của con.
Lời khen giúp trẻ rất thích thú, song cha mẹ có thể xen lẫn vào đó những lời góp ý khéo léo: “Con vẽ tranh sinh động nhưng cần vẽ thêm, tô màu như thế này thì bức tranh sẽ tuyệt vời hơn nhé!”. Với tâm lý là một đứa trẻ nên con rất cần lời khen, lời nhận xét khéo. Nếu có thể hãy hỗ trợ con những đồ dùng học vẽ phù hợp với độ tuổi của con.
Cha mẹ nên giúp con nhận ra rằng việc học vẽ rất dễ, rất vui và rất thú vị. Có thể con chỉ vẽ nguệch ngoạc theo ý thích, làm bẩn quần áo. Nhưng cha mẹ đừng quá bận tâm với tư thế ngồi vẽ, cách cầm bút của trẻ, quần áo của trẻ. Hãy để trẻ thoải mái và tự do sáng tạo nhất.
Một học sinh vui vẻ khoe thành quả của mình sau giờ học vẽ.
Chị Dương Khánh Hà, Giám đốc Trường Âm nhạc và Nghệ Thuật Glory – Glory school of Arts. Lợi ích của hội họa đối với trẻ Hội họa mang rất nhiều lợi ích đối với trẻ con: Hội họa giúp trẻ yêu đời, yêu màu sắc, yêu cái đẹp. Khi học vẽ trẻ sẽ biết quan sát thiên nhiên, cảnh vật, con người nên sẽ biết quan sát và yêu thương từ những thứ nhỏ nhất. Đặc biệt bộ môn hội họa sẽ giúp con trẻ học tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ. Đối với những bạn có năng khiếu bẩm sinh, khi cha mẹ đưa con đi học vẽ sẽ tạo điều kiện để thầy cô phát triển năng khiếu và tính sáng tạo cho con. Các con cũng biết cách tôn trọng và cảm nhận được vẻ đẹp trong tác phẩm của mình và người khác. Thời đại 4.0 hiện nay, con trẻ được tiếp xúc với các thiết bị từ rất sớm. Và cũng có không ít trường hợp, trẻ nhỏ đã bị ảnh hưởng xấu từ vô số các chương trình, bài hát…không lành mạnh trên internet. Việc cho trẻ đi học vẽ một phần nào đó sẽ giảm thiểu việc cho các con tiếp xúc ipad khi rảnh rỗi. Từ đó các con sẽ có thêm nhiều đề tài bổ ích để trò chuyện với gia đình, người thân, bạn bè. Những điều cha mẹ cần tránh khi cho con học vẽ? Các bậc phụ huynh không nên áp đặt tư tưởng nghệ thuật của mình lên trẻ. Chỉ nên hướng dẫn nhẹ nhàng và tránh dùng lời nói chê bai làm trẻ tổn thương. Nhà trường nên nói điều này ngay từ đầu với phụ huynh để trẻ có thể vui vẻ, tự tin khi học. Cha mẹ không nên ép buộc trẻ đi học theo ý thích của mình rồi vô tình làm áp lực lên con. Hãy thả lỏng tự nhiên và hướng con yêu môn nghệ thuật này một cách thuần khiết như tâm hồn trẻ thơ. Nếu được, cha mẹ nên dẫn trẻ đi nhiều nơi để quan sát và sáng tác tranh đồng thời gắn kết tình yêu thương trong gia đình. Nhà trường cần làm gì để nâng cao chất lượng dạy và học hội họa? Ngoài những kỹ năng sư phạm, giao tiếp, kỹ thuật vẽ thì giáo viên nên tìm hiểu về tâm lý trẻ mọi độ tuổi để có cách truyền đạt cho phù hợp. Ngoài ra giáo viên có thể sáng tạo nhiều hình thức học vẽ mới, xu hướng mới để trẻ hào hứng hơn khi học. |
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét