Bà mẹ này cho rằng vấn đề của mình rất bình thường nhưng bác sĩ lại cảnh báo nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi.
Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi mà đôi khi chính bản thân bà bầu cũng không hiểu hết được. Mới đây trên mạng xã hội Trung Quốc, một mẹ bầu trẻ tên Tiểu Phàm (23 tuổi, sống tại Tây An) đã chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo đến những chị em đang mang thai khác.
Tiểu Phàm cho biết vì mang thai lần đầu nên cô rất cẩn thận. chú ý đến chế độ ăn uống ngủ nghỉ của mình để giúp cho con phát triển tốt. Nghe theo lời các bà mẹ khác, cô đã mua rất nhiều thuốc bổ về để uống, vì thế mà cân nặng của Tiểu Phàm cũng tăng lên nhanh chóng.
Dạo gần đây, đột nhiên Tiểu Phàm mắc phải tật ngủ ngáy dù chỉ mới ở tam cá nguyệt thứ 2. Tật xấu này không chỉ khiến cô cảm thấy xấu hổ mà còn làm ảnh hưởng đến cả giấc ngủ của chồng. Nhân một lần đi khám thai, bà bầu này đã hỏi thăm bác sĩ xem có cách nào giúp cô ngủ yên tĩnh lại như xưa hay không. Không ngờ khi nghe xong, bác sĩ đã cảnh báo rằng ngủ ngáy khi mang thai cần được theo dõi chặt chẽ. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình mà còn có thể gây hại cho thai nhi.
Sau khi được bác sĩ tư vấn và đưa ra lời khuyên, Tiểu Phàm lập tức làm theo và cô đã giảm được triệu chứng ngủ ngáy của mình, từ đó cũng yên tâm hơn về sự phát triển của em bé trong bụng.
Vì sao sau khi mang thai nhiều mẹ bầu lại ngáy trong lúc ngủ?
Theo các bác sĩ, tình trạng ngủ ngáy đột nhiên xuất hiện trong khi mang thai dù trước đó không có là khá phổ biến. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do sự gia tăng cân nặng khi mang thai và tử cung mở rộng khiến cơ hoành của mẹ bầu bị nâng lên, từ đó, đường hô hấp trở nên hẹp hơn trước và dẫn đến hiện tượng ngủ ngáy.
Ngủ ngáy không chỉ khiến mẹ bầu dễ thức giấc, mà còn khiến em bé bị thiếu oxy và chậm phát triển (Ảnh minh hoa).
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến phụ nữ mang thai dễ ngủ ngáy hơn là do lượng hormone trong cơ thể thay đổi. Nhiều hormone sẽ tăng cao hơn trước, sự bài tiết của các tuyến trong khoang mũi cũng tăng lên trong khi giãn nở của khoang mũi sẽ nhỏ lại và đường thở sẽ hẹp hơn. Điều này khiến cho các mẹ bầu phải thở bằng miệng, và âm thanh ngủ ngáy sẽ phát ra. Ngoài ra, những mẹ bầu nào thường xuyên bị mệt mỏi và căng thẳng trong quá trình bầu bí cũng dễ ngáy hơn khi ngủ
Mẹ ngủ ngáy – thai nhi gặp bất lợi
Mặc dù ngủ ngáy là chuyện bình thường, nhưng các chuyên gia lại cho rằng riêng với mẹ bầu ngủ ngáy là nguy hiểm vì nó gây bất lợi cho cả mẹ và em bé.
1. Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu
Vì phải dùng miệng để thở nên các mẹ bầu rất dễ thức giấc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ của bạn bởi càng ngủ ít, bạn càng mệt mỏi hơn.
2. Gây ra tình trạng thiếu oxy ở thai nhi
Mẹ bầu nên biết rằng ngủ ngáy có khả năng gây ra tình trạng tạm ngừng thở. Việc này không có gì quá nghiêm trọng đối với người bình thường, nhưng nó lại nguy hiểm với các mẹ bầu. Nếu tình trạng tạm ngừng thở này kéo dài sẽ khiến huyết áp của bạn tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu từ nhau thai đến thai nhi làm cho em bé bị thiếu oxy.
3. Kiềm hãm sự phát triển của thai nhi
Vì không được cung cấp đầy đủ máu từ nhau thai nên quá trình sinh trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế. Từ đó, em bé sẽ chậm phát triển.
Nằm nghiêng là một trong những mẹo giúp mẹ bầu kiểm soát chuyện ngủ ngáy khi đang mang thai (Ảnh minh họa).
Làm thế nào để giảm triệu chứng ngủ ngáy khi mang thai?
Mặc dù chỉ khoảng 30% các bà bầu rơi vào tình trạng ngủ ngáy, nhưng các mẹ bầu vẫn nên tuân thủ theo một số mẹo nhỏ này để đảm bảo mình không rơi vào tình trạng đó.
– Nằm nghiêng khi ngủ: Các mẹ bầu nên cố gắng nằm nghiêng thay vì nằm ngửa khi ngủ. Đây là “bí quyết” giúp bạn kiểm soát hiện tượng ngủ ngáy. Vì khi bạn nằm ngửa, cơ bụng của bạn sẽ dày lên và gốc lưỡi bị tụt ra sau, dễ gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến hiện tượng ngủ ngáy.
– Kiểm soát cân nặng: Tăng cân trong khi đang bầu bí là điều không khỏi tránh khỏi, tuy nhiên, bạn nên kiểm soát cân nặng của mình. Vì một khi tăng cân quá mức sẽ khiến vòm họng bị hẹp lại, khi ngủ dễ phát ra âm thanh.
Mức tăng cân hợp lý nhất là từ 9 – 11kg. Số cân này không chỉ có lợi cho sự phát triển của em bé mà còn giúp mẹ dễ sinh hơn.
– Chế độ ăn uống hợp lý: Ngoài việc bổ sung protein từ thịt, cá, trứng, hải sản… các mẹ bầu cũng đừng quên bổ sung thêm các loại trái cây và rau quả giàu vitamin, axit folic vào trong bữa ăn của mình. Bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm giàu chất béo, đường. Và hãy cố gắng ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm.
Xem thêm chủ đề Tâm sự bà bầu
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét