8 năm hiếm muộn, một lần thai lưu, một lần thai sinh hoá và nhiều lần chuyển phôi đầy vất vả là hành trình mà chị Trịnh Huyền từng trải qua.
Với nhiều người sau ngày cưới sẽ là những tháng ngày vui vẻ, là sự đổi thay khi tổ ấm nhỏ đón thêm thành viên mới. Thế nhưng, với vợ chồng anh Lê Trung Hiếu (sinh năm 1985) và chị Trịnh Thị Huyền (Sinh năm 1990) ở Nam Định thì niềm hạnh phúc giờ đây mới bắt đầu trọn vẹn, bởi sau gần một thập kỷ kể từ ngày kết hôn họ mới chính thức được làm bố mẹ.
8 năm sau ngày cưới, chị Huyền, anh Hiếu mới được làm bố mẹ.
Anh Hiếu và chị Huyền lấy nhau ngay sau khi chị vừa học xong. Ngày ấy chị hiểu rằng sau đám cưới việc quan trọng và mong chờ nhất là được làm mẹ. Tuy nhiên, phải tới hơn một năm sau chị mới được nhìn thấy que thử thai lên 2 vạch. Vậy nhưng, tới tuần thứ 9 chị bất ngờ ra huyết đen, bác sĩ nói thai lưu buộc phải đình chỉ, nghe xong chị lạnh toát người, chân run lẩy bẩy bước ra ngoài và khóc òa trong vòng tay chồng.
Những tháng ngày kế tiếp vì quá mong con, chị chạy chữa khắp nơi, uống rất nhiều thang thuốc Nam Bắc nhưng đều chẳng mang lại kết quả. Bẵng đi khoảng 2 năm, khi đã tích cóp được một chút ít kinh tế anh chị nghĩ đến việc tìm con bằng y học hiện đại.
Hai em bé Thóc và Gạo là thành quả của hành trình dài tìm kiếm.
Tại bệnh viện, chị Huyền lựa chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trải qua đầy đủ tất cả quy trình tiêm kích trứng, chuyển phôi và chờ sau 14 ngày que thử vẫn chỉ một vạch. Người mẹ ấy bắt đầu hoang mang và đến bác sĩ để tìm nguyên nhân cụ thể, kết quả thăm khám cho thấy chị bị polyp cổ tử cung buộc phải mổ để loại bỏ khối polyp.
Ba tháng sau, khi sức khỏe đã hồi phục chị Huyền tiếp tục chuyển phôi, xét nghiệm beta HCG sau 14 ngày cho kết quả khá cao. Chị nhớ lại: “Lúc đó mình rất bất ngờ, vậy là mẹ đã có cơ hội thật rồi, mình nhắn tin cho bác sĩ, bác chúc mừng và kê thêm thuốc. Sau đó mẹ vẫn sinh hoạt như bình thường. Thế nhưng tới ngày 21 sau chuyển phôi có lịch hẹn siêu âm, bác sĩ nói không tìm thấy túi thai. Tai mình như ù đi, hỏi đi hỏi lại bác sĩ và vẫn nhận được câu trả lời đó. Bác sĩ nói, có thể thai sinh hoá”.
Các con chào đời thiếu tháng.
Liên tiếp tìm con thất bại làm sức ép về việc bằng mọi giá phải thành công làm cho chị Huyền càng thêm áp lực. Chị khóc nấc lên trong đêm và nghĩ về kiếp đàn bà muộn con. Chị bị ám ảnh bởi miệng lưỡi thế gian khi không ngừng dè bỉu: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Nhiều đêm mất ngủ triền miên chị nghĩ đến việc bỏ cuộc, xin con nuôi, thậm chí nhờ người mang thai hộ.
Và rồi may mắn đã thực sự mỉm cười với cặp vợ chồng trẻ ở lần chuyển phôi thứ 4. Hình ảnh siêu âm cho thấy chị đậu cả 3 phôi thai. Bác sĩ khuyên chị giảm thiểu bớt thai để an toàn cho thai kỳ. Chị nói: “Mình xin phép bác sĩ cho về suy nghĩ thêm, đó là quãng thời gian thật khó khăn vì không biết phải làm thế nào cho đúng. Mình lên khắp các trang mạng tìm hiểu và nhắn tin cho một bạn mang thai 3, họ khuyên mình giữ 2 thai bởi để đa thai là một thiệt thòi lớn cho các con. Vậy là mình nghẹn ngào nuốt nước mắt để giảm thiểu bớt một thai”.
Nhờ bàn tay của mẹ, các con tăng cần đều đặn và phát triển như những đứa trẻ khác.
Quãng thời gian bầu bí, do áp lực bởi một lần thai lưu, một lần thai sinh hoá, 3 lần chuyển phôi thất bại và 8 năm chưa được làm mẹ nên tính cách chị Huyền thay đổi hoàn toàn. Chị bị nghén vào buổi sáng và chẳng thể ăn uống được nhiều, thực phẩm chủ yếu là rau và hoa quả.
Tới tuần 18, trong một lần siêu âm định kỳ chị phát hiện hở cổ tử cung. Việc chị cần làm ngay thời điểm đó là khâu eo cổ tử cung để các con được an toàn. Bước vào tuần thai thứ 28, một trong hai bé bắt đầu có dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai. Bốn tuần sau, bác sĩ tư vấn chị tiêm trưởng thành phổi do lo sợ thai có thể dừng phát triển bất cứ lúc nào.
“Sau khi tiêm trưởng thành phổi, các con dừng đạp mất 2 ngày. Mặc dù bác sĩ có nói trước nhưng mẹ vẫn lo sợ, gần như mẹ thức trắng đêm để chờ các con đạp. Tới ngày thứ 3 các con mới hoạt động bình thường, mẹ thở phào nhẹ nhõm” – mẹ Nam Định kể.
Trong một lần siêu âm định kỳ ở tuần 35, bác sĩ phát hiện bé suy dinh dưỡng bị giảm nhịp tim, qua kiểm tra nhận thấy tín hiệu bất thường chị được chỉ định mổ cấp cứu. Hai em bé song sinh Thóc và Gạo lần lượt chào đời nặng 1,4kg và 1,9kg.
Do chào đời thiếu tháng nên các con phải nằm lồng kính để theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Xuất viện về nhà chị mới thấy sự vất vả nhân lên gấp bội. Các con quá nhỏ, sữa mẹ lại nhiều nên không bú kịp, nhiều lần hai em bé bị sặc buộc mẹ phải vắt sữa cho vào bình để con bú từng chút một. Nhờ kết hợp cả sữa công thức nên Thóc và Gạo tăng cân đều đặn mỗi tháng.
Trẻ sinh non hệ hô hấp khá yếu, để con đỡ mắc bệnh chị Huyền liên tục vệ sinh sạch sẽ nơi ở, phòng của hai bé luôn có nhiệt ẩm kế, máy phun sương tạo ẩm, máy lọc không khí. Do các cơ và bắp tay bắp chân nhão, chị phải thuê người tới nhà tắm, massage từ lúc sinh cho tới khi con được 3 tháng.
Nhìn các con lớn lên mỗi ngày, chị Huyền thấy mọi vất vả như được đền đáp xứng đáng.
Theo thời gian các con cũng lớn dần, đem lại cho gia đình thật nhiều niềm vui và tiếng cười, mọi lo lắng, muộn phiền bỏ lại sau cánh cửa. Trong căn phòng ấm áp, hai em bé Thóc và Gạo thi nhau làm trò. Bất giác, bài hát “Nhật ký của mẹ” vang lên làm tim chị Huyền xao động. Người mẹ ấy đang nhớ lại hành trình hiếm muộn suốt gần một thập kỷ mà bản thân từng đi qua.
Xem thêm chủ đề 9 tháng 10 ngày khổ tận cam lai
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét