Nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch khiến thu nhập mỗi người cũng có những ảnh hưởng nhất định. Càng trong hoàn cảnh đó, việc chi tiêu ra sao, tiết kiệm thế nào càng trở nên quan trọng.
(*) Bài viết là chia sẻ của blogger người Mỹ, Elizabeth Aldrich, người chuyên viết về chiến lược tài chính cá nhân, cách sử dụng tiền bạc.
Nói về tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế, một số người sẽ cảm thấy tác động nhiều hơn những người khác, nhưng chắc chắn sự ảnh hưởng là điều mà ai cũng có thể thấy rõ rệt.
Trong khi nhiều ngành vẫn đang gặp khó khăn, một số ngành đã có dấu hiệu phục hồi. Doanh số bán lẻ và bất động sản dường như đang tăng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trong vài tháng. Tôi đã từng mất khoảng 50% thu nhập bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sau đó có hồi phục. Tuy nhiên, ngay cả khi ví tiền đã phần nào hồi phục, tôi vẫn thận trọng về mặt tài chính.
Nếu bạn hỏi tôi rằng vì sao lại cần thiết phải như thế thì đây chính là lý do. Nhiều nhà kinh tế đưa ra nhận định rằng chúng ta có thể có một cuộc suy thoái hình chữ V (suy giảm mạnh rồi phục hồi mạnh mẽ), có người cho rằng sẽ là hình chữ U, chữ Z… nhưng hình dạng tiềm năng duy nhất khiến tôi lo lắng và cũng là lý do tôi giữ mức chi tiêu thấp ngay cả khi thu nhập của tôi phục hồi chính là hình chữ W.
Elizabeth Aldrich, người chuyên viết về chiến lược tài chính cá nhân, cách sử dụng tiền bạc.
Trong một cuộc suy thoái hình chữ W, nền kinh tế suy giảm mạnh (đã xảy ra khi đại dịch được tuyên bố), phục hồi (hiện đang xảy ra) và sau đó lại suy giảm khi làn sóng suy thoái thứ hai ập đến. Nếu chúng ta mở cửa trở lại quá nhanh, nới lỏng các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, một làn sóng mới có thể bùng phát khiến chúng ta phải lặp lại một vòng đóng cửa. Một số nhà kinh tế đã đưa ra cảnh báo người tiêu dùng rằng chúng ta có thể trải qua một cuộc suy thoái “kép”.
Theo các chuyên gia, những trường hợp suy thoái hình chữ W rất hiếm nhưng tôi vẫn muốn chuẩn bị kỹ càng nhất có thể. Đối với tôi, điều này có nghĩa là tôi cần giữ chi tiêu của mình ở mức thấp để tăng cường cho quỹ khẩn cấp và có thể sẵn sàng với bất kỳ chuyện gì xảy ra.
Cách tôi cắt giảm chi tiêu khi thu nhập của giảm sút
Đại dịch xảy ra khiến tôi buộc phải cắt bỏ một số danh mục chi tiêu lớn nhất của mình như đi du lịch (khoản chi gần lớn nhất của tôi trước khi dịch đến) vì vậy khá dễ dàng để tôi giảm được chi phí khi thu nhập bị ảnh hưởng. Tôi cũng giảm tiền chi cho việc ăn uống ngoài hàng khi các cơ sở kinh doanh đóng cửa.
Nhưng tất nhiên, mọi việc không đơn giản là tất cả các khoản chi đều giảm như vậy. Tôi đã chi nhiều hơn cho việc giao hàng, điều mà tôi hiếm khi làm trước khi có dịch. Tôi cũng chi nhiều hơn cho hàng tạp hóa vì việc nấu ăn ở nhà giờ đây đã thường xuyên hơn. Ngoài ra, những sở thích trước đây của tôi như du lịch và đến lớp yoga cũng được thay bằng những sở thích mới như vẽ hay thêu thùa, học nhuộm vải…
Và rồi, tôi đã từng bước tìm được cách để cắt giảm những chi phí đó. Tôi nhận ra mình có thể sử dụng các voucher để giảm giá vận chuyển hay dùng điểm thẻ tín dụng của mình để giảm giá nhiều thứ khi thanh toán. Với việc mua hàng tạp hoá, tôi có thể tích điểm và lên kế hoạch để tránh mua sắm bốc đồng và có thể mua các mặt hàng có hạn sử dụng lâu với số lượng lớn để được mức giá ưu đãi.
Cách duy trì mức chi tiêu thấp khi thu nhập tăng lên
Dù thu nhập tăng lên nhưng Elizabeth Aldrich quyết giữ mức chi tiêu không đổi.
Duy trì mức chi tiêu thấp khi thu nhập thấp có lẽ chỉ là những thay đổi nhỏ. Vấn đề lớn hơn xuất hiện khi thu nhập của tôi tăng trở lại.
Khi kinh tế dần phục hồi, tôi có thêm các khách hàng và một số dự án tái hoạt động, thu nhập đã tăng lên. Điều đầu tiên tôi làm chính là thiết lập tự động chuyển lương trực tiếp vào tài khoản tiết kiệm. Dù thu nhập tăng lên nhưng tôi quyết giữ mức chi tiêu không đổi.
Mục tiêu của tôi là tăng quỹ khẩn cấp của mình lên ít nhất bằng một năm chi phí sinh hoạt (đó là số tiền tôi đã từng dùng hết khi đại dịch lần đầu xuất hiện). Sau khi đã hoàn thành mục tiêu đó, tôi muốn tiết kiệm thêm một số tiền để phòng trừ cho những tháng thu nhập giảm vì công việc của tôi không có lương cố định.
Để giữ cho bản thân có động lực, tôi đã thiết lập “thùng tiết kiệm” trong tài khoản tiết kiệm của mình dành cho các mục tiêu tiết kiệm thú vị. Tôi có khoản tiết kiệm cho đôi giày trượt patin mới, một khoản để vỗ về bản thân và cuối cùng là một chiếc xe tải để đi cắm trại sau này.
Sau khi có thu nhập, tôi sẽ chuyển một phần vào quỹ khẩn cấp và tiết kiệm hưu trí trước tiên và khoản tiết kiệm được sau đó sẽ là dành cho những mục tiêu khác. Điều này khiến tôi đỡ cảm thấy bị “thiếu thốn” hơn khi chi tiêu thấp đi. Tôi đã thành công, không bỏ cuộc hay lao vào mua sắm một cách bốc đồng.
Giờ đây, nền kinh tế đã có những khởi sắc, tôi có thể đi du lịch, làm tóc và ăn uống như trước kia. Tuy nhiên, kế hoạch của tôi là sẽ tránh những khoản đó và duy trì chi tiêu thấp như trên cho đến năm 2021. Điều đó sẽ giúp tôi cảm thấy an toàn hơn ngay cả khi nền kinh tế có một cú sốc nữa.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét