Tiêu tiền có thể rất thú vị song sự phấn khích đó sẽ không kéo dài. Việc tránh mua sắm bốc đồng, tùy hứng sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn, xây dựng nền tảng tài chính vững chắc.
(*) Bài viết là chia sẻ của Rachel Cruze, tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, chuyên gia tài chính và người dẫn chương trình The Rachel Cruze Show. Cô từng xuất hiện trên nhiều chương trình như Good Morning America, Today, Live With Kelly & Ryan…
Chúng ta hãy thành thật với nhau trước tiên nhé! Bạn đã từng lang thang vào một cửa hàng, siêu thị nào đó, nhặt một vài thứ thấy hay hay và bước ra với 1 giỏ hàng đầy ắp chưa?
Sự thật là điều này hết sức bình thường và phổ biến. Theo thống kê, người Mỹ tiêu xài trung bình 183 USD mỗi tháng cho mua sắm tùy hứng, tương đương khoảng 6 USD/ngày. Con số này sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng, “Ồ không đáng bao” phải không? Tuy nhiên nó sẽ khiến bạn mất 2.196 USD mỗi năm. Nếu bạn đầu tư 183 USD đó mỗi tháng, sau 10 năm, với tỷ suất lợi nhuận là 11%, bạn sẽ có hơn 39.000 USD. Khi vận dụng lãi suất kép vào, bạn sẽ biết những khoản chi nhỏ nhưng mang tính thường xuyên có sức mạnh thế nào.
Mua sắm tùy hứng là gì?
Mua sắm tùy hứng là bất cứ khi nào bạn mua thứ gì đó mà bạn vốn không định mua. Đó có thể là một thanh kẹo bạn tiện tay lấy trong lúc chờ thanh toán ở siêu thị hay bước vào cửa hàng điện tử để xem mẫu điện thoại mới ra mắt và ra về với chiếc điện thoại mới trong tay. Nếu sản phẩm đó không hề được lên kế hoạch trước trong ngân sách của bạn, đó chính là mua sắm tùy hứng.
Hầu như tất cả chúng ta đều từng rơi vào trạng thái phấn khích nhất thời của việc mua sắm tùy hứng, bốc đồng. Trên thực tế, gần 90% người Mỹ nói rằng họ từng như vậy, và thành thật mà nói, có thể 10% còn lại đang phủ nhận về những gì mình đã làm.
Cánh mày râu sau khi đọc bài này có thể gật đầu mà nói rằng: “Đấy! Vợ tôi là chuyên gia tiêu tiền kiểu tùy hứng, bốc đồng thế này”. Hãy nhớ cho, một nghiên cứu cho thấy, khi mua sắm tùy hứng, nam giới thậm chí sẽ “mạnh tay” hơn phụ nữ.
Tại sao mua sắm tùy hứng lại thu hút ta đến vậy?
Bạn có bao giờ tự hỏi sao mình lại mua sắm tùy hứng vậy không? Tôi thấy có ba lý do chính khiến chúng ta mua sắm nóng vội. Đó là bởi:
– Cảm xúc của chúng ta.
Cảm xúc đóng một vai trò lớn trong việc quyết định chúng ta sẽ mua gì. Khi bạn cảm thấy hôm nay thực sự là một ngày khó khăn, một chiếc váy mới hay đôi bông tai để vỗ về bản thân là điều mà nhiều người sẽ lựa chọn. Bạn tự nhủ rằng đó không phải là vấn đề lớn, bạn chỉ muốn có được thứ gì đó để bản thân cảm thấy tốt hơn.
Tuy nhiên, những người làm marketing sản phẩm luôn biết điều này. Họ sẽ tìm cách để đánh trúng vào tâm lý của người mua hàng, khiến bạn nhặt vào giỏ nhiều hơn những gì mình thực sự cần thiết.
– Kinh nghiệm trong quá khứ.
Nếu mua sắm bốc đồng và thường xuyên rơi vào tình trạng chi nhiều hơn thu là vấn đề của bạn, có thể bạn chưa được dạy bài bản về cách quản lý chi tiêu. Theo một cuộc thăm dò năm 2019, “cách cha mẹ giải quyết vấn đề về tiền” và “tình trạng gia đình khi bạn lớn lên” là hai lý do hàng đầu mà mọi người đưa ra khi được hỏi về cách tiêu tiền. Hãy nghĩ về cách giải quyết các vấn đề tiền bạc trong gia đình bạn để hiểu được vấn đề nền tảng. Nếu bạn đã kết hôn, sẽ tốt hơn khi bạn giải quyết tận gốc những tranh cãi về tiền bạc với nửa kia của mình.
– Chúng ta nghĩ rằng mình đang mua được món hời.
Chúng ta dễ mua hàng hơn khi nghĩ rằng, mình đang có được món hời. Đó có thể là chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển hay có quà tặng… Bạn nghĩ rằng, “sao mình lại bỏ lỡ cơ hội tốt đến vậy chứ”, “ai lại đi mua hàng nguyên giá thế kia”… Tuy nhiên tất cả đều là chương trình của nhãn hàng nhằm đẩy mạnh doanh số. Bạn có thể mang về nhà những sản phẩm không cần thiết, thậm chí là không động đến bao giờ.
Làm thế nào để ngừng mua sắm tùy hứng
Dù bạn là ai, những mẹo nhỏ sau cũng sẽ hữu ích, giúp bạn tránh được cám dỗ chi tiêu quá mức.
1. Lập ngân sách và bám sát nó
Điều đầu tiên mà bạn nhất định phải làm chính là có ngân sách. Nếu bạn chưa có, hãy dừng lại và dành 10 phút để thực hiện ngay bây giờ. Sau khi đã có ngân sách, hãy đảm bảo rằng bạn luôn bám sát nó.
Ngân sách không phải là một cây đũa thần, ngay lập tức khiến tất cả những đồng tiền của bạn hoạt động. Bạn cần biết tiền của mình đi đâu và thực hiện đúng theo kế hoạch. Nếu khoản chi đó chưa được lập ngân sách, đừng bỏ tiền ra.
2. Cho phép bản thân chi tiêu
Sẽ có người nói rằng, thật là mâu thuẫn khi tôi vừa nói bạn hãy tuân theo ngân sách của mình và giờ lại nói cho phép bản thân chi tiêu phải không? Hãy nhớ rằng, niềm vui cũng là điều rất quan trọng trong cuộc sống này. Hãy cho phép mình (và chồng/vợ nếu bạn đã kết hôn) một khoản trong ngân sách để bạn có thể chi tiêu một cách vui vẻ.
Tùy thuộc vào điều kiện mà mỗi người sẽ có một con số khác nhau, miễn là đảm bảo số lượng hợp lý và phù hợp với túi tiền của bạn. Nếu lần tới, khi đi bộ qua trung tâm thương mại, có thứ gì đó rất bắt mắt bạn, bạn chỉ cần kiểm tra quỹ tiền vui vẻ của mình và nếu nó nằm trong mức cho phép, hãy mang lại niềm vui cho bản thân. Bạn đã dự trù một khoản tiền trước cho những việc như này và giờ thì đây không phải là một cuộc mua sắm bốc đồng nữa.
3. Chờ một ngày (hoặc lâu hơn) trước khi mua hàng
Hãy chờ một ngày hoặc lâu hơn để bạn có thể bình tĩnh lại trước khi thực hiện một hành vi mua sắm bốc đồng (có thể thổi bay tiền trong ví bạn). Một khi bạn có cái đầu lạnh và cái nhìn mới, lúc này hãy hỏi bản thân xem bạn có thực sự sử dụng thứ này không và liệu bạn có đủ khả năng trả tiền mặt cho nó ngay bây giờ không (hay phải quẹt thẻ tín dụng).
Đừng để những câu như “chỉ duy nhất hôm nay”, hay “chỉ còn 1 tiếng nữa để mua…” khiến bạn bối rối và nhanh chóng chi tiền. Nếu bạn không đủ khả năng chi trả hay không cần thiết, hay chờ đến lần khác, lúc bạn thực sự cần. Chắc chắn, sản phẩm đó sẽ được bán lại thôi.
4. Mua sắm có kế hoạch
Hãy vạch ra những mặt hàng mà bạn muốn mua và số tiền bạn sẽ chi tiêu trước khi thực sự bắt đầu mua sắm. Khi có kế hoạch, bạn sẽ ít có khả năng bị bội chi hơn. Danh sách mua sắm của bạn có thể bao gồm từ các mặt hàng tạp hóa đến những món quà bạn dự định sẽ dành tặng trong ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình… miễn là bạn có lên kế hoạch trước.
5. Cẩn thận khi có quá nhiều email quảng cáo
Email của bạn, nhất là trong thời kỳ kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đang đầy những email chào bán, chương trình khuyến mại… ? Bạn có thể đang làm tốt, tuân thủ ngân sách của mình nhưng hãy cẩn thận khi bao quanh mình là quá nhiều email như vậy. Bạn có thể bị chú ý, click thử vào một vài đường link và rơi vào “bẫy” của người bàn. Tốt nhất, hãy hủy đăng ký những thứ bạn thực sự không cần thiết ngay bây giờ.
6. Đừng mua sắm khi đang xúc động
Chúng ta vừa nói về vấn đề này và điều này thực sự rất quan trọng. Đừng để cảm xúc điều khiển thói quen chi tiêu của bạn. Dù là bạn có một ngày tuyệt vời hay đang chán nản, đừng mua sắm bất cứ thứ gì ngay lúc này. Bạn có nhiều cách khác để giải tỏa tâm trạng hay nhân đôi niềm vui mà không hề tốn kém.
7. Rủ ai đó cùng đi mua sắm
Bạn có người anh chị em hoặc bạn bè nào đó sẵn sàng ngăn bạn đừng mua thứ gì đó? Hãy rủ họ đi cùng khi bạn muốn mua sắm. Nói trước với họ những gì bạn định mua và đề nghị họ hãy giúp mình thoát khỏi những hành vi mua sắm không liên quan đến kế hoạch.
8. Chỉ lấy đúng số tiền mặt bạn cần
Hãy tính xem bạn cần bao nhiêu tiền cho những món đồ bạn muốn mua và chỉ lấy đúng bằng đó số tiền mặt . Bạn thậm chí có thể tiến thêm một bước nữa là để lại thẻ ngân hàng của mình ở nhà để không mua thêm bất cứ thứ gì ngoài lề. Nếu bạn tuân theo kế hoạch mua sắm của mình và không mang thêm tiền trong chuyến đi, bạn không thể không phí tiền vào mua sắm tùy hứng.
9. Ngừng so sánh
Đây là yếu tố mang tính quyết định khi muốn thay đổi thói quen mua sắm tùy hứng. Nếu bạn luôn so sánh những gì bạn có (hoặc không có) với người khác, bạn sẽ không bao giờ hài lòng. Khi chúng ta bắt đầu so sánh mình với người khác , chúng ta đang chơi một trò chơi mà chúng ta không bao giờ thắng.
Thay vì nhìn vào những gì người khác có và nghĩ: “Mình cũng cần thứ đó”, hãy bình tĩnh lại và học cách biết ơn, biết ơn về những gì mình đang có. Khi bạn thay đổi được quan điểm của mình, bạn có thể thấy mình đã có rất nhiều điều đáng để biết ơn.
10. Thoát khỏi mạng xã hội
Đây là việc bạn thực sự nên làm khi bạn gặp khó khăn với việc so sánh. Tôi không nói rằng bạn phải nói không với mạng xã hội mãi mãi, nhưng hãy thử xóa Instagram và Facebook trong một tuần (hoặc hơn) và bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt.
Ngay cả khi bạn không thấy mình rơi vào bẫy so sánh, thực tế là mạng xã hội chính là một trong những điều dễ khiến bạn mua sắm bốc đồng.
11. Thực hiện thử thách không chi tiêu
Nếu bạn chưa từng nghe nói về điều này, hãy hiểu một cách đơn giản rằng bạn sẽ không chi bất kỳ khoản tiền nào (cho các mặt hàng không cần thiết). Tất nhiên, bạn vẫn phải trả các hóa đơn thông thường, tiền điện nước… song bạn sẽ không chi tiền cho những thứ như ăn hàng, làm tóc, mua sắm… Về cơ bản, thậm chí bạn không nên đặt chân vào cửa hàng nào trừ khi đó là cửa hàng tạp hóa để mua nhu yếu phẩm cần thiết.
12. Quên số thẻ của bạn
Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế ảnh hưởng bởi dịch bệnh, làm việc từ xa trở nên phổ biến, việc mua sắm trực tuyến càng trở nên quen thuộc với nhiều người, đến mức bạn thuộc lòng thông tin về thẻ ngân hàng dù trước đây không thế. Hãy quên số thẻ của mình và tắt tính năng tự động lưu lại thông tin thẻ. Bạn cần có thời gian trước khi quyết định mua sắm thay vì hoàn thành mọi việc chỉ trong nháy mắt.
13. Hãy ghi nhớ mục tiêu của bạn
Mua sắm tùy hứng và bội chi sẽ ngốn hết những gì bạn tiết kiệm được để hướng tới những mục tiêu tuyệt vời như nghỉ hưu sớm hay chuyến du lịch vòng quanh châu Á khi kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Vì vậy, đừng “tự bắn vào chân mình”. Hãy luôn nhớ tới những mục tiêu quan trọng mà bạn đang hướng tới!
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét