Mỗi người một tâm trạng, một công việc song ai nấy đều mong nhanh chóng hoàn thành công việc để có thể nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, có một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa.
Người “xách” con đi làm, người vợ chồng luân phiên nghỉ
Thời điểm cuối năm luôn là khoảng thời gian tất bật của tất cả mọi người, nào công việc công ty, nào gặp gỡ, cảm ơn, biếu quà Tết, nào việc dọn dẹp, sắp sửa cửa nhà… Giáp Tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh ở nhiều tỉnh thành được nghỉ Tết sớm nên các chị em công sở càng thêm bận rộn.
Chị Nguyễn Thị Hà (phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc) vừa gõ phím, mắt chăm chú nhìn màn hình, miệng vừa nói sang bên cạnh: “Con lấy giấy ra vẽ đi rồi tô màu, mẹ làm việc nốt rồi mẹ chơi với con nhé!”.
Ảnh minh hoạ.
Chị chia sẻ, do ông bà nội ngoại hai bên đều ở quê, công việc của chồng lại bận rộn nên chị đành cho con lên văn phòng của mình để vừa làm vừa trông con. Công việc cuối năm vốn đã bận rộn, nay lại thêm trông con nên có thể nói từ lúc ngủ đều “quay như chong chóng”.
Nhiều cặp vợ chồng khác lại chọn cách luân phiên nghỉ để có thể ở nhà trông con, có nơi chị em tụ thành một nhóm trong chung cư rồi luân phiên nghỉ, một người trông con cho vài gia đình. Trước đó đã có đợt học sinh nghỉ ở nhà học online nên nhìn chung đa phần các chị em công sở lần này không còn nhiều bỡ ngỡ.
5 ngày đi làm vừa giải quyết việc công ty, vừa cáng đáng việc con cái, cuối tuần các chị em lại tất bật với việc cửa nhà. Chị Thu (33 tuổi, mẹ của 2 con) tâm sự:
“Năm nào những ngày giáp Tết mình cũng quay cuồng, phải cố kiểm soát mình để không mắng mỏ con cái. Cuối tuần được nghỉ là nào dọn dẹp nhà cửa, nào lấy đồ Tết từ kho, nào sắm sửa thực phẩm, bánh kẹo, đồ thắp hương ngày Tết… Bố mẹ chồng mình đều đã lớn tuổi nên mọi việc đều do hai vợ chồng lo lắng”.
Nhộn nhịp đi buôn đặc sản
Ngày càng có nhiều chị em công sở kiêm thêm nghề tay trái bán hàng online để tăng thêm thu nhập. Các mặt hàng thì phong phú, đa dạng, từ đồ gia dụng tới thực phẩm, hoa quả… đều có cả. Những ngày sát Tết là lúc không khí càng thêm nhộn nhịp. Đa phần họ đều không phải dân kinh doanh chuyên nghiệp nên thường là nhà có gì bán nấy, bán đặc sản quê hương hoặc xem đồng nghiệp cầu gì thì mình cung đó.
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, vùng đất có món giò bê (giò me) nổi tiếng, năm nay chị Hoàng Thị Thuỷ (Hà Nội) quyết định thử sức với việc bán món ăn này. Do giá cả phải chăng nên món giò bê của chị được nhiều đồng nghiệp, bạn bè ủng hộ.
Các đặc sản địa phương được nhiều chị em công sở chọn làm mặt hàng kinh doanh nghề tay trái. (Ảnh minh hoạ)
“Nhiều hôm mang cơm đi làm, các chị em đồng nghiệp đều khen giò bê nhà mình ngon nên năm nay mình thử sức xem sao. Cũng gọi là buôn bán chút cho vui, lại có đồng ra đồng vào”, chị Thuỷ chia sẻ.
Cũng kiêm nghề tay trái là bán hàng chị Hương Lan (sinh năm 1984, Hà Nội) lại chọn mặt hàng bánh kẹo tự làm để kinh doanh.
“Mình vốn thích làm bánh nên trước đây hay làm rồi mời bạn bè, người thân cùng ăn. Được nhiều người khen bánh kẹo ngon rồi động viên nên năm ngoái mình bắt đầu thử sức làm để bán. Mình chủ yếu bán các loại bánh healthy, phù hợp với xu hướng sống lành mạnh nên được khá nhiều người ủng hộ”, mẹ đảm 2 con chia sẻ.
“Gia Cát Dự” về tiền thường Tết
Dù là ai, làm công việc gì, đang ngập đầu trong công việc thế nào thì có lẽ một trong những điều mong đợi nhất của chị em công sở những ngày này là khoản tiền thưởng Tết, lương tháng 13. Năm nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tình hình kinh doanh của các đơn vị không khỏi bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Hồng Ngọc (nhân viên công ty thang máy) tâm sự: “Tết năm ngoái do công ty hai vợ chồng thắng lớn nên thưởng Tết của cả đôi được tổng hơn 50 triệu. Hai vợ chồng mừng lắm rồi còn bảo nhau năm sau cố gắng phấn đấu, chẳng mấy mà giấc mơ sở hữu căn nhà của riêng mình thành hiện thực. Thế nhưng năm nay dịch bệnh thế này, nghe nói công ty còn không đạt được chỉ tiêu đề ra đầu năm, không biết thưởng Tết được mấy phần”.
Cũng trong tâm lý chờ đợi thưởng Tết như chị Ngọc, chị Hoài An (26 tuổi) chia sẻ: “Năm nay là năm đầu mình làm dâu, cái Tết cũng không còn đơn giản như hồi còn ở nhà. Hôm trước hai vợ chồng lên trước kế hoạch chi Tết, nào biếu hai bên nội ngoại, nào là quà biếu sếp, nào thực phẩm rồi tiền lì xì… sơ sơ cũng 20-25 triệu rồi. Không biết thưởng Tết của hai vợ chồng có đủ chỗ đó không”.
Làm việc trong ngành xuất nhập khẩu, công việc của chị Thanh Hường (nhân viên công ty xuất nhập khẩu chè) cho hay bản thân không mong chờ nhiều vào khoản thưởng Tết vì năm qua tình hình kinh doanh công ty cũng gặp nhiều khó khăn.
“Bản thân mình nghĩ thế này, ảnh hưởng cả nền kinh tế chung nên khó mà đặt kỳ vọng nhiều. Thưởng Tết thấp thì cũng buồn thật nhưng nếu nghĩ theo một hướng khác thì, trong khi có biết bao người thất nghiệp, lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh, mình vẫn có công việc để làm, còn có thưởng cuối năm thì chẳng phải đó đã là niềm vui, may mắn rồi sao”.
Mỗi người một tâm trạng, một công việc song ai nấy đều mong nhanh chóng hoàn thành công việc để có thể nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình, có một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa. Hơn tất cả, điều được mọi người mong mỏi nhất chính là dịch bệnh sớm được kiểm soát, tất cả cùng đón Tết trong an toàn.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét