Ông đòi, bà trốn

​Tình cảm rạn nứt, mâu thuẫn gia đình, bạo lực nảy sinh… là những hậu quả của sự “lệch pha” trong cuộc sống phòng the tuổi xế chiều.


Chuyện ông “đòi” bà “trốn”


Bà Lê Thị Y (72 tuổi, Cầu Giấy, HN) bày tỏ nỗi niềm tại Văn phòng Tâm Giao: “Tuổi này rồi mà ông ấy vẫn còn ham hố khiến cuộc sống già của tôi khốn khổ. Ngày trẻ, chồng tôi là người mạnh về khoản ấy. Lúc đó, tôi còn khoẻ, tuổi xuân phơi phới, chuyện chiều chồng không thành vấn đề. Từ ngày bước vào tuổi xế chiều, sức khỏe giảm, tôi không còn thiết tha gì nữa. Phần nghĩ già cả, sinh hoạt vợ chồng là chuyện nhỏ, không có cũng chẳng ảnh hưởng gì.


Ai ngờ, ông ấy không chấp nhận để vợ “nghỉ hưu” mà vẫn đòi hỏi liên tục. Mỗi lần chiều chồng xong xương cốt tôi muốn gãy rụng. Thỉnh thoảng, tôi phải trốn tránh ông bằng cách viện cớ đi thăm con cháu dăm bữa nửa tháng. Nhưng mỗi lần đi về lại khổ nhiều hơn bởi ông đòi bù lại những ngày “thiếu đói”…”


Ông đòi, bà trốn


Dáng người khắc khổ, gầy yếu vì bệnh tật bao nhiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Mơ (Hoàng Mai, HN) rơm rớm nước mắt kể về người chồng xem vợ là “nô lệ” giường chiếu. Gần 60 tuổi, trải qua một lần mổ dạ dày, một lần mổ cắt u xơ tử cung, sức khoẻ của bà suy giảm. Việc nhà có thể phó mặc cho con cháu để nghỉ ngơi, nhưng “việc” trong phòng ngủ thì không thể đùn đẩy cho ai. Bất chấp vợ đau ốm, chồng bà vẫn đòi hỏi thường xuyên. Vì không đủ sức khoẻ lại gặp phải vấn đề “khô hạn” của phụ nữ nên mỗi lần chiều chồng bà rất đau đớn. Nếu lần nào không làm cho chồng thoả mãn, bà bị ông dằn hắt, bạo lực luôn trên giường ngủ. Có đêm, chồng bà bắt vợ chiều đi chiều lại đến lúc nào thoả mãn mới dừng khiến bà kiệt quệ lăn ra ốm ngay sau đó. Nỗi khổ này bà chẳng biết ngỏ cùng ai, đành âm thầm cam chịu.


Tưởng chỉ có các bà mới là nạn nhân trong vấn đề này, không ngờ các ông cũng bức xúc không kém. “Từ thuở khai sinh, “chuyện đó” giống như cơm ăn nước uống của đàn ông. Trẻ khoẻ thì “ăn cơm ăn xôi”, tuần mấy bữa. Về già phải được “ăn cháo”, chứ bắt “nhịn” cho đến ngày nhắm xuôi tay thì chịu sao thấu. Điển hình như vợ chồng tôi, ngay từ lúc toan về già, bà ấy đã có ý định “cắt” khoản đó. Tôi đấu tranh mãi, bà ấy mới đồng ý ban phát kiểu “cắc tùng”. Hai năm nay, tiểu phẫu cắt u buồng trứng xong, bà “đình chỉ” hẳn chuyện vợ chồng, sống kiểu ly thân, chồng một phòng vợ một phòng. Bí bách trong người, tôi sinh ra cáu bẳn nhưng vợ không hiểu cứ thế dằn hắt lại chồng. Cuộc sống gia đình vì thế sinh mâu thuẫn” – ông Phạm Văn Bình (Bắc Từ Liêm, HN) phân trần với Tâm Giao.


Sự viên mãn xế chiều: Tại sao không?


Nói về đời sống phòng the tuổi xế chiều, đa phần người vợ đều cho rằng không quan trọng, thậm chí ai còn nhiệt tình ở tuổi này còn bị cười chê là “già rồi còn ham hố”. Ngược lại, với người chồng, nhu cầu chăn gối vẫn rất cần thiết. Sự “lệch pha” này đã khiến cho hạnh phúc tuổi xế chiều của không ít người bị ảnh hưởng: nhẹ thì cơm không lành canh không ngọt, nặng thì trở thành thủ phạm, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình; thậm chí vợ chồng già ra toà ly hôn.


Khi nghe Tâm Giao hỏi về việc tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ vấn đề “ông đòi bà trốn” thì cả các ông lẫn các bà đều lắc đầu bảo “tự xử” với nhau. Họ cho rằng, đó là chuyện riêng tư chỉ có vợ chồng tự giải quyết. Nếu không được thì đành… cam chịu hoặc tìm cách phản kháng.


Thực tế cuộc sống hiện đại đã cởi mở trong vấn đề tình dục, chất lượng cuộc sống phòng the của vợ chồng trong mọi lứa tuổi đều được đề cao. Theo TS Khuất Thu Hồng (chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) thì: định kiến đã khiến nhiều người không cởi mở khi đề cập đến vấn đề tình dục, kể cả khi họ gặp phải vấn đề lớn trong vấn đề này.


Việc tìm kiếm sự khoái cảm trong đời sống tình dục là nhu cầu chính đáng và là quyền lợi được hưởng của mỗi cặp vợ chồng bất kỳ ở độ tuổi nào. Khi vợ chồng bị bệnh tật, sức khoẻ kém đi, tuổi tác cao vẫn có thể làm bạn đời thoả mãn đời sống chăn gối bằng cách tìm đến các biện pháp hỗ trợ như: gel bôi trơn, thuốc chống khô hạn đối với phái nữ, hoặc có thể học cách kích thích để bạn đời vẫn có được sự thoả mãn mà không cần quan hệ trực tiếp. Cởi mở để tháo gỡ vấn đề là điều mà các cặp vợ chồng cần làm thay vì cam chịu để rồi dẫn tới bế tắc và ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình.


Theo Phụ Nữ Thủ Đô



Theo: Gia đình




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét