Lời nói là con dao hai lưỡi, có thể khiến người khác tổn thương ngay cả khi điều bạn nói ra là sự thật. Chúng ta chỉ mất 2 năm để học nói nhưng lại mất cả đời để học cách im lặng.
Không nói không phải bởi không biết và nhìn thấu tất cả không nhất thiết phải nói ra. Lời nói nên đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng. Đặt trong những hoàn cảnh khác nhau với đối tượng, mục đích đối thoại khác nhau, chúng ta cần biết điều gì nên nói và điều gì không nên nói.
Nhìn thấu tất cả nhưng không nói ra phản ánh trí tuệ cảm xúc cao, phẩm chất hàng đầu của con người.
01. Nhìn thấu tất cả nhưng không nói ra là tôn trọng
Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có những người bạn luôn bắt đầu bằng câu nói: “Tôi không phải người khéo miệng”. Có thể họ nhận thức được việc mình đôi khi quá thẳng thật và muốn “rào” trước song không phải vì vậy mà người khác không bị tổn thương.
Phương là “ma cũ” của công ty. Mọi người đều công nhận năng lực của chị và biết chị là người rất cởi mở, thích buôn chuyện. Chuyện trên trời dưới biển, chuyện chính trị nước nhà đến chuyện bà bán trà đá cổng công ty, không chuyện gì là không thấy chị hào hứng.
Cách đây nửa tháng, công ty chị có một nhân viên mới. Cô gái này có thân hình khá mũm mĩm. Một hôm, đang trong giờ nghỉ trưa, khi chị em đang bàn tán rôm rả, chị Phương bất ngờ ngỏ lời:
“Này! Chị là người thẳng thắn nên có gì thì cũng đừng để bụng”.
Cô nàng đồng nghiệp mới khá lúng túng, nghĩ rằng mình có sai sót trong công việc nên đã bày tỏ mong được chị giúp đỡ, không ngờ… Chị Phương nói thẳng:
“Em ơi, em phải giảm cân nhanh đi. Còn trẻ mà béo thế này, mặc quần không đẹp, mặc váy cũng chẳng ra sao, rồi thì có người yêu kiểu gì? Chị nói cũng để tốt cho em thôi đừng giận”.
Cô nàng đồng nghiệp mới không biết nên khóc hay cười, những người đang ngồi đó cũng thấy không khí sượng sùng, không biết nói tiếp sao cho phải. Không ai biết chị Phương cố tình chế nhạo đồng nghiệp mới hay thật lòng hy vọng điều tốt hơn song dù là mục đích gì, lời nói của chị cũng đã làm tổn thương lòng tự trọng của người đồng nghiệp mới.
Không ai muốn bị lộ khuyết điểm của mình ở nơi công cộng, việc đó xấu hổ chẳng khác nào bị tra tấn nơi công cộng. Kiểu “ngay thẳng” này, dù ngôn từ khéo léo đến đâu cũng không thể khiến đối phương không tổn thương, càng không thể minh oan cho sự thiếu tu dưỡng của bản thân.
Chỉ bằng cách nhìn thấu đáo, không nói những chuyện không nên, biết kiểm soát miệng của mình, chúng ta mới có thể giữ được sự tôn trọng đối với cả hai bên trong cuộc trò chuyện.
02. Nhìn thấu tất cả nhưng không nói ra là tu luyện
Mong muốn người khác công nhận khả năng nổi bật của mình là mong muốn cơ bản của mỗi người. Mong muốn thể hiện thích hợp sẽ giúp chúng ta tiến lên, có thái độ sống tích cực song khi trở nên quá đà, khoe mẽ, thứ bạn nhận lại sẽ là sự chán ghét của mọi người.
Khoa là một sinh viên có thành tích cao trong học tập. Ngay sau khi mới tốt nghiệp, cậu đã được nhận vào một công ty khi thể hiện màn đối đáp ấn tượng.
Ban đầu, mọi người trong công ty đều thiện cảm với anh chàng hướng ngoại, hiểu biết nhiều và nhiệt tình này. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi người dần tránh Khoa.
Không ai có thể phủ nhận độ hiểu biết của Khoa. Mỗi khi mọi người tụ tập trò chuyện, cậu luôn tìm cơ hội để thể hiện vốn kiến thức của mình. Buổi nói chuyện nhanh chóng trở thành buổi “giải đáp, cung cấp kiến thức cho bạn nghe đài” và đối tượng là những ngược bị buộc phải tham gia. Khi chuyện này trở nên như cơm bữa, mọi người dần không muốn lại gần Khoa.
Có kiến thức là một điều tốt và mong muốn được thể hiện nó cũng là điều bình thường song khi bạn không biết đâu là đúng nơi đúng lúc, bạn sẽ trở phô trương và khoe mẽ, khiến người khác hình thành cảm giác bị áp chế.
Nhìn thấu tất cả nhưng không nói ra, đó thực sự là một sự tu luyện. Đó không phải là sống hướng nội mà họ biết cách kiểm soát mình và tìm cách ngày càng hoàn thiện bản thân.
03. Nhìn thấu tất cả nhưng không nói ra là cảm thông
Có người cho rằng “biết nhưng không nói ra” là hèn nhát, là che giấu, không tốt song mọi thứ trên đời này đều có hai mặt. Mặt còn lại của “biết nhưng không nói ra” là sự thấu cảm, hiểu biết.
Vào bữa tiệc cuối năm của công ty, mọi người quyết định đi ăn thật thịnh soạn. Vừa đến khách sạn nơi tổ chức bữa tiệc, mọi người mới thấy vắng một thành viên liền hỏi Long, người hay trò chuyện cùng cậu ta xem có chuyện gì.
Long biết gia cảnh của Hoàn rất khó khăn song cậu cũng hiểu tính cách của Hoàn, biết Hoàn không muốn ai trong công ty biết chuyện đó. Long tìm một lý do khác để nói với mọi người về sự vắng mặt của Hoàn. Dù Hoàn không yêu cầu Long giữ bí mật nhưng Long hiểu sự khó khăn mà Hoàn đang phải trải qua và không dễ dàng khi để thông tin đó cho tất cả mọi người cùng biết. Đó chính là một loại cảm thông.
Có bao nhiêu người trên thế giới này biết và nói ra những “bí mật” của người khác. Họ coi điều đó là hết sức bình thường, chỉ là những cuộc tám chuyện, bàn tán trong lúc rảnh rỗi. Họ không nghĩ rằng niềm vui mình đang hưởng là dựa trên đau khổ của người khác.
Có thể khi bàn tán, mổ xẻ về những bí mật của người khác, sẽ có một loại khoái cảm không thể giải thích được, nhưng nếu ngẫm lại, bạn sẽ thấy một người đi nói chuyện sau lưng người khác sẽ chẳng tốt đẹp gì.
Khi mọi người hòa hợp với nhau, trạng thái cao nhất chính là khi ngay cả lúc họ không nói, họ vẫn cảm thấy thoải mái khi ở bên nhau. Khi trò chuyện với người khác, sự khôn ngoan nhất là giữ im lặng đúng lúc và biết kiềm chế những lời nói không phù hợp, giữ trong lòng.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét