Trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng và có đờm thường có nguyên nhân chủ yếu là do bệnh mãn tính, bị dị ứng hoặc hen suyễn. Nếu như gặp phải vấn đề này, cha mẹ cần phải tìm cách khắc phục kịp thời, tránh gây nên những ảnh hưởng về sau.
Vậy đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng có đờm và cách khắc phục, chăm sóc trẻ ra sao?
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng có đờm
Trẻ sơ sinh bị khò khè có đờm ở cổ là hiện tượng phát ra bởi những tiếng khò khè. Nếu như áp tai gần mũi hoặc miệng gần con, mẹ sẽ nghe thấy tiếng thở này. Đặc biệt, sẽ thấy những tiếng thở lạ, thở không đều, đôi khi còn có phần giống như tiếng ngáy của bé khi ngủ.
Trẻ sơ sinh bị khò khè thường quấy khóc. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân trẻ sơ sinh khò khè có đờm ở cổ họng là gì?
– Trẻ bị viêm phế quản: Đây là một loại bệnh về đường hô hấp, thường xảy ra khi lớp niêm mạc tại ống phế quản bị viêm nhiễm. Bệnh này đặc biệt phát triển mạnh vào những tháng mùa đông. Khoảng 90% nguyên nhân gây nên bệnh viêm phế quản là bởi virus lạ, 10% còn lại là do trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Khi bị mắc bệnh viêm phế quản, tại phần lớp niêm mạc của phế quản sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy (hay còn gọi là đờm) khiến cho đường thở của bé bị thu hẹp lại và có thể bị tắc nghẽn. Vì thế, gây nên tình trạng thở khò khè. Bên cạnh đó, trẻ còn có một số dấu hiệu khác như lạnh run, sốt cao, ho liên tục sau khoảng 24-48 giờ mắc bệnh.
– Trẻ bị hen suyễn: Những trẻ bị hen suyễn thường có đường hô hấp nhạy cảm nên rất dễ gặp phải tình trạng viêm khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, kích thích. Chẳng hạn như ô nhiễm không khí, khói thuốc. Chính bởi những yếu tố này làm cho trẻ khó thở, thở khò khè, tức ngực và ho.
– Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này thường bị gây ra do axit dạ dày trào lên khu vực đường dẫn thức ăn. Một lượng nhỏ những chất lỏng này có thể bị hít vào phổi, gây kích ứng và sưng tại đường hô hấp nhỏ làm cho bé thở khò khè. Thông thường, tình trạng này sẽ hết khi trẻ được 1 tuổi.
– Thói quen sinh hoạt: Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng là nguyên nhân làm cho trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng có đờm như thói quen mặc áo quá dày, quá chật, nằm gối quá cao, đắp quá nhiều chăn khi ngủ hoặc bé nằm sấp khi ngủ cũng làm cho hoạt động của hệ hô hấp của bé yếu hơn, tạo nên những tiếng thở khò khè, khó khăn.
– Một số các nguyên nhân khác: Trong một số trường hợp hiếm khác, trẻ sơ sinh thở khò khè có đờm cổ họng là do mắc phải bệnh mãn tính hoặc bệnh bẩm sinh viêm phổi, ho gà, xơ nang.
Bé bị thở khò khè thường có đờm ở cổ họng gây khó thở. (Ảnh minh họa)
Cách khắc phục trẻ sơ sinh khò khè có đờm ở cổ tại nhà
Khi trẻ gặp phải những dấu hiệu trên, mẹ cần phải theo dõi và xác định nguyên nhân, sau đó mới tìm hướng khắc phục phù hợp. Nếu như trẻ sơ sinh bị khò khè ở cổ họng do các nguyên nhân thông thường, mẹ có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ như sau:
– Vệ sinh tai mũi họng đầy đủ: Đặc biệt vào mùa đông, mẹ cần phải vệ sinh tai – mũi – họng cho bé thật sạch sẽ, đảm bảo đường thở của bé luôn thông thoáng, không để những chất đờm bị ứ đọng trong mũi.
– Sử dụng nước muối sinh lý: Hàng ngày, mẹ có thể dung nước muối sinh lý để làm sạch mũi cho bé. Tuy nhiên, mẹ không nên dùng quá nhiều, chỉ cần khoảng 1-2 giọt là đủ.
– Đảm bảo bù nước cho bé: Khi bé thở khò khè có đờm có nghĩa là bé đang bị nhiễm trùng, mẹ cần phải giữ nước cho cơ thể của bé. Mẹ hãy cho bé bú nhiều hơn bình thường, việc này sẽ giúp cung cấp đủ nước cho bé và làm giảm chất nhầy, làm thông thoáng mũi bé.
– Sử dụng máy giữ ẩm: Vào mùa đông, nên dùng máy giữ ẩm không khí để giúp không khí trong nhà bớt khô. Từ đó, có thể giúp bé hô hấp dễ dàng hơn.
– Luôn giữ ấm cho trẻ: Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng trẻ bị sổ mũi, bé khịt vào khiến nước mũi chảy ngược vào trong, gây ra đờm và ho.
Mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ sạch sẽ. (Ảnh minh họa)
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh khò khè có đờm ở cổ đi khám?
Sau khi áp dụng những biện pháp trên mà thấy hiện tượng không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn, mẹ hãy đưa bé đến ngay các trung tâm, cơ sở y tế để thăm khám và được điều trị kịp thời. Đặc biệt, những trường hợp cần đưa bé đi khám ngay gồm:
– Trẻ sơ sinh bị khó thở, tím tái, thở khò khè ngay từ lần đầu tiên.
– Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi vì thở khò khè có đờm là biểu hiện nặng trong giai đoạn này.
– Với trẻ sơ sinh thở khò khè kéo dài từ 2-3 tuần cần phải đưa trẻ đi khám và xét nghiệm chuyên sâu.
– Trẻ sơ sinh có tiền sử bị hen suyễn.
– Khi bé bị khò khè có đờm và xuất hiện một số triệu chứng như sốt cao, nôn ói.
Lưu ý, trong quá trình điều trị cho bé sơ sinh, cha mẹ không được tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thuốc long đờm, kháng sinh, kháng viêm mà cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh tình trạng trẻ bị nặng hơn.
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét