Bị chó cắn chảy máu xử lý thế nào mới đúng?

Bị chó cắn chảy máu xử lý thế nào mới đúng?



Bị chó cắn chảy máu là một vấn đề rất phổ biến hiện nay. Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 4 triệu người bị chó cắn và con số này cũng không hề nhỏ ở Việt Nam. Vết cắn của chó có nguy cơ gây ra các vấn đề tiềm ẩn rất nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh dại. Đôi khi một số vết cắn nghiêm trọng hơn còn có thể gây chết người. 


Thực hiện các biện pháp sơ cứu khi bị chó cắn có vai trò rất quan trọng, điều này có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một vài thông tin hữu ích trong việc xử lý vết thương nếu bị chó cắn, cũng như là khi nào thì cần đến gặp bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân.


Phân loại mức độ các vết chó cắn


Bị chó cắn chảy máu xử lý thế nào mới đúng?




Thông thường, sự nghiêm trọng của vết chó cắn sẽ được phân thành 5 mức độ khác nhau, cụ thể là:


  • Mức độ 1: Răng của chó không chạm vào da.

  • Mức độ 2: Răng của chó chạm vào da, nhưng da vẫn chưa rách.

  • Mức độ 3: Có từ một đến bốn vết thương hở, nông trên da.

  • Mức độ 4: Một vết cắn nhưng gây ra từ một đến bốn vết thương hở. Trong đó có it nhất một vết thương thủng sâu.

  • Mức độ 5: Nhiều vết cắn, bao gồm một số vết thương thủng sâu. Có thể do bị chó tấn công mạnh bạo.

Sơ cứu khi bị chó cắn chảy máu


Bị chó cắn chảy máu xử lý thế nào mới đúng?



Khi bị chó tấn công, răng cửa của chúng sẽ ngoạm vào phần mô thịt, đồng thời những chiếc răng nhỏ hơn có thể làm rách da. Kết quả là gây nên một vết thương hở và lởm chởm. Theo các bác sĩ, nếu vết thương bị nhiễm trùng thì tình trạng sẽ rất nặng. Chính vì vậy, khi bị chó cắn, bạn nên thực hiện ngay những bước sơ cứu để xử lý vết thương nhằm hạn chế khả năng nhiễm trùng: 


  • Đầu tiên, cần phải nhanh chóng kiểm tra vết thương. Nếu vết thương không chảy máu, hãy rửa thật sạch vùng da đó bằng xà phòng và nước ấm. Đối với tình trạng bị chó cắn chảy máu, cần chườm bằng vải sạch trong khoảng 5 phút hoặc cho đến khi máu ngừng chảy rồi mới rửa vết thương

  • Ấn nhẹ lên vết thương để một ít máu chảy ra, điều này sẽ giúp loại bỏ vi trùng

  • Bôi kem kháng sinh lên vùng bị thương

  • Sử dụng băng vô trùng để bịt kín vết thương

  • Giữ vùng bị thương cao hơn tim để ngăn ngừa sưng và nhiễm trùng

  • Trường hợp vết thương nhẹ ở mức độ 1, 2 hoặc 3 thì bạn có thể tự xử lý tại nhà một cách an toàn thông qua việc rửa vết thương hằng ngày và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. 

Các phương pháp tại nhà có thể giúp hạn chế không cho vết chó cắn bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, mọi người nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng vết thương đầy đủ cũng như được xử lý hiệu quả hơn. Cũng cần lưu ý rằng, khi bị chó cắn hãy yêu cầu chủ của chó cung cấp hồ sơ tiêm phòng của chúng. Bởi vì thông tin này sẽ là cơ sở để giúp bác sĩ quyết định việc điều trị tiếp theo.


Khi nào cần gặp bác sĩ?


Sau khi thực hiện các biện pháp xử lý vết thương tại nhà, nếu nạn nhân có các biểu hiện sau đây thì nên đưa họ đến ngay cơ sở y tế gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời:


  • Máu chảy nhiều và không kiểm soát được

  • Vết cắn để lộ xương, gân, cơ 

  • Vết thương gây đau dữ dội

  • Gây mất chức năng, chẳng hạn như không thể uốn cong các ngón tay

  • Có các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ

  • Người bị sốt hoặc cảm thấy yếu ớt, ngất xỉu

  • Vết thương tiết dịch mủ vàng và có mùi hôi

Cũng cần liên hệ với bác sĩ nếu bị vết cắn hở và bạn chưa tiêm phòng uốn ván trong thời gian 5 năm qua hoặc trong trường hợp con chó đã cắn bạn có biểu hiện kỳ lạ, cũng như không thể xác định rằng chúng đã được tiêm phòng vắc-xin dại hay chưa. 


Ngoài ra, người bị suy giảm hệ miễn dịch, người đang có bệnh lý nền (như bệnh đái tháo đường) hoặc đang điều trị y tế chẳng hạn như hóa trị liệu, cũng là các đối tượng cần phải có sự hỗ trợ của bác sĩ khi bị chó tấn công.


Bị chó cắn chảy máu có nguy hiểm không?


Bị chó cắn chảy máu xử lý thế nào mới đúng?



Bị chó cắn chảy máu nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe, bao gồm: nhiễm trùng, bệnh dại, tổn thương thần kinh cơ,… và nghiêm trọng nhất là tử vong. 


Nhiễm trùng


Khoảng 50% trường hợp vết thương bị chó cắn có vi khuẩn, chủ yếu là tụ cầu, liên cầu, pasteurella, và capnocytophaga. Đôi khi chó cũng có thể mang tụ cầu vàng kháng methicillin.


Vết cắn ở tay hoặc chân có khả năng nhiễm trùng cao hơn. Một số yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng là sử dụng rượu bia, người có hệ miễn dịch yếu kém, bệnh nhân đái tháo đường, đang hóa trị liệu hoặc cắt bỏ lá lách.


Tình trạng nhiễm trùng cần được phát hiện và điều trị sớm nhất, nếu không sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết cùng một loạt biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như suy thận, đau tim, hoại thư,…


Tổn thương dây thần kinh, cơ và xương


Vết cắn sâu có thể làm tổn thương dây thần kinh, cơ và ảnh hưởng đến các mạch máu dưới da. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi vết thương trông có vẻ rất nhỏ.


Khi bị chó lớn cắn, nguy cơ dẫn đến gãy xương là rất cao, đặc biệt là ở những vị trí như chân, bàn chân hoặc bàn tay.


Bệnh dại


Bệnh dại là một tình trạng nhiễm virus nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu vết thương được điều trị kịp thời tại cơ sở y tế và có tiêm phòng vắc-xin thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bệnh dại.


Uốn ván


Uốn ván hay còn gọi là phong đòn gánh là một bệnh do vi khuẩn gây ra, các vết thương khi bị chó cắn chảy máu có thể khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Nạn nhân cần được nhập viện điều trị ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh uốn ván, bao gồm: co cứng hàm, cơ thể bị uốn cong hoặc co giật khi bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng, tiếng ồn,… 


Cũng giống bệnh dại, bệnh lý này có thể phòng ngừa được thông qua việc tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Đối với người lớn, nên tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.


Bên cạnh các biến chứng kể trên thì vết thương khi bị chó cắn cũng sẽ để lại các vết sẹo. Đối với vết cắn nhẹ, sẹo sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, trường hợp sẹo nặng hoặc ở vùng dễ nhìn thấy như mặt thì có thể nhờ đến các kỹ thuật y tế như phẫu thuật thẩm mỹ để cải thiện tình trạng.


Chó cắn không chảy máu có sao không?


Như đã đề cập, bị chó cắn chảy máu sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Vậy nếu như bị chó cắn không chảy máu có sao không?


Nếu vết thương bị chó cắn không chảy máu mà chỉ bị ảnh hưởng ngoài da như bầm tím, lúc này sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng bởi vì vi khuẩn cũng như bụi bẩn không thể xâm nhập vào cơ thể. Để đảm bảo an toàn, trường hợp này bạn cần đi tiêm phòng theo phác đồ phơi nhiễm 3 mũi. 


Đồng thời, nếu có thể thì nên theo dõi con chó, khi chó bị ốm hoặc chết thì bạn phải đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm huyết thanh phòng dại.


Vết thương khi bị chó cắn chảy máu có thể rất nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị, vì thế không nên chủ quan sau khi bị chó cắn. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng bệnh dại cho chó của bạn và tránh xa những con chó không rõ nguồn gốc là cách bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bạn và gia đình.


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét