Ảnh minh họa
Hoài vượt qua mọi thử thách của bản thân, nhưng khi cầm trên tay tấm bằng giỏi, cô hoàn toàn bất lực trước sự khắc nghiệt của môi trường thực tế, ngoài kiến thức, Hoài chẳng có ai chống lưng, cô đành ngậm ngùi từ bỏ đam mê, về nhà nghe lời khuyên của cha mẹ.
Mẹ Hoài cố gắng mạnh mẽ để làm chỗ dựa tinh thần cho con gái, bà khuyên Hoài nên về quê, làm giáo viên trường làng rồi sớm lập gia đình cho bố mẹ an tâm. Trong số những chàng trai đến “tán” Hoài, Trọng là người được chú ý nhất.
Ngày xưa anh từng là bạn học cùng trường làng, chính Hoài cũng không thể tin cậu nhóc đen đúa, học lực trung bình ngày ấy lại trở thành một chàng trai đĩnh đạc đến nhường này.
Mẹ Hoài thủ thỉ với con gái: “Gia đình nó khá lắm, bố nó chạy được một công việc rất tốt cho nó, bản thân nó cũng là thằng biết cố gắng, mẹ thấy nó rất được”.
Không chỉ mẹ Hoài mà tất cả bà cô, bà thím đều ủng hộ Hoài đến với Trọng, nhưng Hoài thực sự vô cảm trước lời tỏ tình của anh. Cô không có cách nào xóa được ký ức không mấy tốt đẹp trước đây, trong mắt cô, dù Trọng đang làm công việc gì hay khoác trên người bộ cánh nào thì anh vẫn một chàng trai kém cỏi.
Chứng kiến Trọng ngày nào cũng chực chờ ngoài cổng nhà Hoài, dân làng bắt đầu bàn tán, xì xào, họ nói: “Cô Hoài số sướng mà không biết hưởng”.
Chuyện đến tai, Hoài tức ngùn ngụt, cô “trút giận” bằng cách đồng ý kết hôn với Huy – chàng trai ở làng kế bên, người mới chỉ theo đuổi cô vài ngày.
Khác với Trọng, Hoài không biết nhiều về quá khứ của Huy, càng không rõ học lực của anh ra sao, Hoài chỉ biết anh cũng là giáo viên giống mình, công việc giản đơn nhưng cao quý.
Hoài cũng chẳng biết tình cảm của mình với Huy có phải tình yêu hay không, nhưng khi đó cô chỉ muốn những lời xì xào khó chịu kia kết thúc ngay lập tức, cô muốn chứng tỏ rằng, ngoài Trọng, cô vẫn có thể kiếm được một chàng trai khác tốt hơn.
Kết hôn được 10 năm, Hoài kịp sinh 2 con trai, cuộc sống có vẻ ổn định, nhưng dường như nụ cười không còn nở trên môi Hoài nữa, nếp nhăn ở 2 đuôi mắt ngày càng nhiều. Lần nào mẹ Hoài hỏi han, Hoài đều gắng cười cho qua chuyện.
Chuyện trăm năm được quyết định chóng vánh nên khi về chung một nhà, Hoài mới thấy Huy không phải là một người chồng tốt như cô từng nghĩ.
Cũng dạy học như Hoài nhưng Huy rất bận rộn, anh ra khỏi nhà từ sáng sớm và chỉ về nhà sau 11 giờ đêm trong tình trạng say khướt. Mọi việc trong nhà Huy đẩy hết cho vợ, đón tờ giấy từ tay chồng, Hoài thắc mắc: “Cái gì đấy anh?”. Huy trả lời cục cằn: “Nhìn mà không hiểu à? Đấy là lịch các đám giỗ trong nhà mình, cô phải nhớ làm cỗ đúng ngày đấy”.
Huy không phải con trưởng, nhưng anh cả đã ra ở riêng, bố mẹ già của Huy đều do Hoài chăm sóc. Mẹ Huy mắc chứng bệnh hoang tưởng, có hôm bà đứng giữa nhà, gào lên: “Làng nước ơi, cứu tôi với! Cô Hoài đang đánh tôi”. Anh cả không chứng kiến hết sự việc, cứ thế vượt tường, nhảy vào nhà tát Hoài một cái điếng người. Đến khi Hoài được minh oan, anh ta cũng chẳng chịu thốt lên một lời xin lỗi.
“Hành” Hoài được 4 năm thì mẹ chồng mất, không thấy Hoài vật vã khóc lóc, anh cả và chị dâu thi nhau xỉa xói, nói Hoài là “cô con dâu mất mảnh”.
Thoát được một gánh nặng, nhưng Hoài phải gánh thêm nhiều thứ khác, bố chồng ngày càng khó tính và độc đoán. Hoài chắt chiu mãi mới mua được mảnh đất, cô quyết tâm xây nhà để ra ở riêng, đỡ mang tiếng sống nhờ nhà bố chồng, để rồi ngày nào cũng phải nghe anh chồng và chị dâu nói xỏ nói xiên.
Khi đã có mục đích, Hoài ra sức thuyết phục Huy thì nhận được cái lắc đầu lạnh lùng của chồng: “Không phải việc của tôi, cô muốn làm gì thì làm”.
Hoài nghĩ ra kế hoạch xây nhà còn có một mong muốn khác, cô nghĩ Huy sẽ bỏ được thói quen rượu chè, tập trung vào việc lớn, nhưng Huy không nghe, ỉ lại đã trở thành thói quen của anh.
Không nhờ được chồng, Hoài lại lăn ra kiếm tiền bằng cách dạy thêm và buôn bán lặt vặt. Cuộc sống vất vả khiến Hoài ngày càng tiều tụy. Một lần vô tình va vào nhau ngoài chợ, Trọng đã không nhận ra Hoài, anh chỉ kịp nói “Xin lỗi!” rồi đi rất nhanh…
Nghe chuyện, mẹ Hoài đánh đồm độp vào lưng con gái, nước mắt bà không ngừng chảy: “Sao mày dại thế hả con?”. Hoài lắc đầu: “Con biết làm thế nào hả mẹ? Đấy là lựa chọn của con mà”.
Không yên tâm chút nào về con gái, một ngày, mẹ Hoài cầm nón chạy sang làng bên, đi đến giữa làng, bà thấy một bóng dáng quen quen đang oằn người kéo chiếc xe cút kít, bà đến gần, hỏi: “Hoài, con đang làm gì thế?”. Hoài ngẩng lên, thở không ra hơi: “Mẹ à,… con… đang chuyển đồ lên nhà mới”.
Mẹ Hoài xót xa: “Cái ngữ mà con gọi là chồng ấy đâu rồi? Sao nó lại để con của mẹ vất vả, khổ sở đến nhường này?”. Hoài xua tay: “Mẹ ơi! Việc này đáng nhẽ thuê thợ cũng được, nhưng con sợ tốn tiền…”. Mẹ Hoài không cầm được nước mắt: “Con dại cái mang, về nhà với mẹ đi con, đừng sống như thế này nữa…”.
Theo Thủy Kiều (giaoducthoidai.vn)
Nguồn: Người Lao động
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét