Chiến tranh lạnh, ai mở miệng trước?

Kính gửi chị Hạnh Dung, 


Vợ chồng em đang chiến tranh lạnh. Cả hai không nói chuyện với nhau đã hơn tháng nay rồi. Giờ cơm chồng vẫn về nhà bình thường, nhưng ăn xong là ra ghế ngồi coi ti vi, chơi với con. Lúc đi ngủ thì em ngủ trong phòng, chồng ngủ ở phòng khách.


Tuần trước em đã định làm lành, nhưng thấy chồng mua một cái túi ngủ về, coi bộ cố thủ ở phòng khách luôn, em ghét quá không thèm bắt chuyện nữa. Những lúc ngồi một mình nghĩ lại em thấy cũng hơi nguy hiểm.


Tuần đầu không nói chuyện với nhau, em thấy nhà ngột ngạt nặng nề. Nhưng dần dần, em thấy không nói chuyện vậy, mình em bức bối thôi chứ chồng coi bộ cũng… bình thường. Trước đây, chồng em chưa bao giờ để vợ giận lâu, hễ có chuyện gì em im lặng chừng nửa ngày thôi là ổng đã tự làm lành. Lần này, coi bộ ổng quyết “lì”, chắc cho tới khi nào em chịu mở miệng trước.


Em không giặt đồ ủi đồ, chồng tự giặt ủi, em không để phần cơm, chồng tự chế mì gói hay chạy ra mua cơm hộp về ngồi ăn. Em nghĩ chắc sống với nhau lâu, tình cảm cũng nguội lạnh, nên chồng không còn quan tâm đến vợ, vợ có giận cũng mặc kệ.


Nếu không còn tình cảm với nhau, sớm muộn cũng ly hôn phải không chị? Cứ nghĩ tới các con, em thấy buồn, em khóc một mình suốt. Chẳng bao giờ em nghĩ mình lại phải sống trong sự im lặng ngột ngạt này, như người câm. Giờ em phải làm sao đây hả chị?


B. Thúy (TP HCM)


Chiến tranh lạnh, ai mở miệng trước?


Chiến tranh lạnh cũng để lại nhiều thương tổn – Ảnh minh họa


Em Thúy thân mến, 


Chiến tranh lạnh hay không lạnh cũng gây tổn thương, thậm chí chết người. Việc ưu tiên số một bây giờ là chấm dứt chiến tranh trong nhà mình. Đó là việc cần làm ngay em ạ. Có nhiều cách để phá vỡ tảng băng im lặng đã đông cứng giữa hai vợ chồng. Em có thể thử, với điều kiện mình gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên. Đừng nghĩ nếu làm vậy là mình “thua”, trong thế trận này, chấp nhận thua một bước, em sẽ được rất nhiều thứ. Còn hơn cứ làm cho đã nư, khăng khăng giành phần thắng, để rồi cuối cùng mất sạch những gì mình yêu quý, nâng niu.


Mình không còn trẻ như thuở đôi mươi mà hờn dỗi ngúng nguẩy, mình đã là một phụ nữ trưởng thành, làm vợ, làm mẹ, cư xử biết người biết ta, đằm thắm, cũng là thể hiện trách nhiệm và đẳng cấp của bà chủ gia đình, phải không em?


Em nên mở lời với chồng đi. Thời bây giờ, có bao nhiêu cách, không muốn mở miệng nói thì đã có tin nhắn điện thoại, có email, có Facebook của chồng, và em còn có cả hai đứa con xinh xắn của em nữa – hãy nhờ chúng chuyển thông điệp cho ba.


Em cũng có thể hẹn chồng đi cà phê nói chuyện, thoát ra khỏi không gian cố định của ngôi nhà, câu chuyện sẽ dễ nói hơn, tâm trạng của mình và người ta cũng thoải mái để lắng nghe hơn. Nhiều cô nàng còn chọn cách nhờ mẹ chồng, gọi điện thoại tâm sự với mẹ, để mẹ mở đường cho mình. Nhiều cô vợ khác chọn vũ khí mạnh của phụ nữ, là nước mắt. Sao em đóng cửa phòng khóc một mình làm chi cho đau đớn? Cứ thử khóc khi có mặt chồng, em sẽ thấy có tác dụng ngay thôi mà.


Phụ nữ mình nhiều khi vào “cơn”, cứ tự gồng lên, tỏ ra mình cũng cứng rắn, cũng sắt đá như ai. Em hãy cứ là người đàn bà yếu đuối, lo lắng, cần một bờ vai để dựa, cần một vòng tay để bảo bọc… rồi em sẽ thấy chồng em vẫn là người đàn ông mà em yêu ngày xưa, chứ không phải là đối phương trong cuộc chiến.


Xét thời gian xảy ra chiến tranh đã lâu rồi, mình cũng cần chuẩn bị nguồn lực để tái thiết gia đình thời hậu chiến. Sau cuộc nói chuyện, mình phải chăm sóc, nâng niu những kết quả của nó. Em đừng bỏ bê chồng, người ta cũng là con người như mình thôi, cũng cần được yêu thương chăm sóc, để rồi có thể yêu thương chăm sóc lại người khác. Những thứ mình cho đi cũng là những thứ mình sẽ nhận về. Chúc em hạnh phúc với tổ ấm của mình.



Theo Hạnh Dung (phunuonline.com.vn)


Nguồn: Người Lao động




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét