Chỉ số men gan: như thế nào là cao và bình thường?

Chỉ số men gan: như thế nào là cao và bình thường?



Chỉ số men gan được xem là chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe của gan. Vậy men gan là gì? Các chỉ số như thế nào là bình thường và cao? Nguyên nhân nào khiến chỉ số men gan cao? Tất cả các vấn đề trên sẽ được giải đáp trong nội dung bài viết dưới đây.


Gan là một cơ quan lớn và có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Gan không chỉ tổng hợp, chuyển hóa các chất dinh dưỡng mà còn thanh lọc, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Gan có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ trên là nhờ có một hệ thống enzyme rất hoàn chỉnh, gọi chung là men gan.


Vì sao bạn nên làm xét nghiệm kiểm tra chức năng gan?


Chỉ số men gan: như thế nào là cao và bình thường?




Xét nghiệm chức năng gan là một xét nghiệm máu thường được thực hiện, để đánh giá các chức năng hoạt động bình thường của gan hoặc tình trạng tổn thương gan. Bước đầu tiên để phát hiện tình trạng tổn thương gan là xét nghiệm để xác định các chỉ số men gan trong máu.


Có 4 chỉ số men gan thường được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm bao gồm:


  • Chỉ số AST (hay còn gọi là SGOT) 

  • Chỉ số ALT (hay còn gọi là SGPT)

  • Chỉ số GGT

  • Chỉ số ALP

Thông qua xét nghiệm chức năng gan có thể phản ánh được phần nào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Khi được phát hiện sớm thì sẽ có phương pháp điều trị hiệu quả, hạ chỉ số men gan về mức ổn định. Nếu để lâu dài hoặc không được phát hiện kịp thời thì tình trạng bệnh sẽ càng ngày càng nặng, lúc đó phương pháp điều trị sẽ không được hiệu quả.


Chỉ số men gan như thế nào là bình thường?


Chỉ số men gan: như thế nào là cao và bình thường?



Men gan ngoài việc có mặt trong tế bào gan thì chúng cũng tồn tại một lượng nhất định trong máu. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ sẽ kết luận tình trạng hiện tại, chỉ số được xem là bình thường nếu không vượt quá ngưỡng cho phép. Cụ thể như sau:


  • Chỉ số AST : giới hạn bình thường từ 8 – 48 UI/L

  • Chỉ số ALT :  giới hạn bình thường từ 7 – 55 UI/L

  • Chỉ số GGT : giới hạn bình thường từ 8 – 61 UI/L

  • Chỉ số ALP : giới hạn bình thường từ 45 – 115 UI/L

Trong một số trường hợp, các chỉ số xét nghiệm về chức năng gan có thể tăng hơn so với mức bình thường (gấp 1-2 lần) thì vẫn được cho là bình thường, không ảnh hưởng đến chức năng gan và người bệnh cũng không quá lo ngại đến sức khỏe.


Khi nào chỉ số men gan cao?


Chỉ số men gan: như thế nào là cao và bình thường?



Trong trường hợp bình thường, men gan chủ yếu có mặt trong các tế bào của gan. Khi gan gặp bất kỳ vấn đề bất ổn nào, các men này sẽ phóng thích ra khỏi tế bào và tràn vào máu dẫn đến tình trạng chỉ số men gan cao khi làm xét nghiệm.


Khi một hay nhiều chỉ số men gan tăng hoặc tăng cao đột biến là phản ánh cơ thể bạn có thể đang gặp vấn đề. Với chỉ số men gan càng cao đồng nghĩa với việc mức độ tổn thương gan càng lớn. 


Chỉ số men gan tăng từ 2 đến 3 lần là ở mức độ nhẹ, có thể tự phục hồi nếu có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học. Tăng từ 2 đến 5 lần là mức độ trung bình, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời. Và khi tăng gấp 5 đến 10 lần, đôi khi đến 20 lần là ở mức độ nghiêm trọng, đây là giai đoạn phải điều trị kiên trì và nghiêm túc để tránh xảy ra những biến chứng như xơ gan, ung thư gan, đe dọa tính mạng người bệnh.


Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả trường hợp chỉ số men gan cao đều là do tổn thương từ gan mà có thể nguyên nhân từ cơ quan khác. Bởi vì ngoài việc có nằm bên trong tế bào gan, một số men gan còn tồn tại trong các mô khác như cơ, não, tim, thận,…Do đó để xác định chính xác tình trạng sức khỏe, người bệnh nên đến tham khảo ý kiến từ bác sĩ.


Nguyên nhân nào khiến chỉ số men gan tăng cao?


Chỉ số men gan: như thế nào là cao và bình thường?



Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tăng chỉ số men gan, trong đó phổ biến gồm:


Sử dụng rượu, bia


Đây là hai thủ phạm chính gây ra tình trạng men gan tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Khi lạm dụng rượu, bia quá nhiều, các chất cồn và độc hại được đào thải qua gan để thải ra ngoài khiến cho gan bị ngộ độc. Từ đó các tế bào gan bị phá hủy và làm tăng cao lượng men gan trong máu.


Các bệnh về gan


Khi chỉ số men gan của bạn tăng gấp 5 lần so với bình thường, hãy nghĩ ngay đến việc bạn có thể đang mắc một số căn bệnh về gan như: viêm gan A, B, C, áp xe gan, bệnh xơ gan, nhiễm trùng gan do virus, gan nhiễm mỡ, viêm tuyến đường mật… 


Tổn thương gan do virus là tổn thương rất nguy hiểm do hoạt động của những loại virus này rất nhanh, gây tổn thương và phá hủy tế bào gan nhanh chóng. Nếu không điều trị kịp thời, có nguy cơ sẽ tiến triển thành ung thư gan.


Sử dụng thuốc


Tác dụng phụ của thuốc dùng để điều trị một số loại bệnh cũng có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tế bào gan hoặc gây ngộ độc tế bào gan làm men gan tăng cao. Có thể kể đến một số loại thuốc như thuốc kháng sinh (nhóm quinolon), thuốc giảm đau paracetamol, thuốc chống vi khuẩn lao,…


Một số người bị bệnh tăng lipid huyết (bệnh mỡ máu) dùng các thuốc giảm cholesterol, triglycerid (nhóm thuốc statin) cũng có thể làm tăng men gan nhưng men gan sẽ trở về chỉ số bình thường khi ngừng uống thuốc.


Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tăng men gan như: béo phì, bệnh ứ sắt, bệnh lý tự miễn ở ruột non, bệnh sốt rét, do hoạt động thể lực mạnh,…


Để phát hiện đúng chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng chỉ số các men gan tăng cao, ngoài việc xét nghiệm chức năng gan, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số biện pháp thăm khám khác trước khi đi đến kết luận.


Men gan tăng cao dù là do nguyên nhân nào cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vì vậy khi phát hiện chỉ số men gan cao cần phải kiểm tra và can thiệp ngay, đừng chủ quan với sức khỏe của mình. Song song đó, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, đi ngủ trước 23 giờ,… để bảo vệ gan cũng như có một cơ thể khỏe mạnh.


Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Nguồn: Hello Bác sĩ




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét