Đau lưng là một trong những vấn đề gây phiền toái phổ biến trong đời sống. Một vài cơn đau lưng cấp tính, chỉ xảy ra trong vài ngày hay vài tuần rồi hết nhưng cũng có khi bạn trải qua cơn đau lưng kéo dài trong nhiều tháng hay nhiều năm (được gọi là đau lưng mạn tính). Và nếu bạn bị đau lưng mạn tính khởi phát ở độ tuổi 20-40 thì hãy cẩn thận, nó có thể liên quan đến một bệnh lý nghiêm trọng mang tên viêm cột sống dính khớp.
Theo thống kê, có khoảng 80% người trưởng thành từng bị ít nhất 1 lần đau lưng trong suốt cuộc đời. Khi một cơn đau lưng xuất hiện, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là tại sao mình lại bị như vậy, đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Thông thường, bạn sẽ có thể tự suy đoán ra đáp án nếu như cảm thấy đau lưng sau một chấn thương ở vùng lưng (té ngã, giãn cơ hay căng cơ quá mức) hoặc ngồi làm việc không đúng tư thế.
Thế nhưng, nếu cơn đau lưng kéo dài lâu ngày và đôi khi gây ra những cơn đau, cứng khớp ở cột sống mà không rõ lý do thì bạn cần chú ý nhé. Đau lưng mạn tính (đau hơn 3 tháng) có khả năng là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm cột sống dính khớp – một tình trạng viêm khớp mạn tính gây tổn thương cấu trúc cột sống.
Vậy làm sao để biết cơn đau lưng của bạn là loại nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Không phải cơn đau lưng nào cũng giống nhau
Triệu chứng đau lưng mà bạn cảm nhận được khá tương đồng với nhau nhưng về bản chất chúng có thể rất khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau lưng nhưng biểu hiện triệu chứng tương tự nhau khiến quá trình đánh giá và xác định bệnh lý gặp khó khăn.
Dựa trên bản chất, đau lưng có thể được chia thành 2 loại là:
- Đau lưng cơ học: cơn đau phát sinh từ một vị trí cấu trúc trong cột sống, bao gồm các đốt sống, đĩa đệm, khớp cột sống, các cơ hỗ trợ cột sống và các mô mềm xung quanh.
- Đau lưng kiểu viêm: là một triệu chứng phức tạp hơn, cho thấy có tình trạng viêm ở các đốt sống, khớp của cột sống và viêm các điểm bám của gân.
Đau lưng cơ học phát sinh do có sự thay đổi trong cấu trúc ở các khớp cột sống, đốt sống hay mô mềm. Hầu hết cơn đau lưng cơ học có tính chất cấp tính, tức là chúng xuất hiện rồi tự hết trong khoảng thời gian ngắn (thường là 4–6 tuần). Bên cạnh đó, cơn đau loại này sẽ giảm bớt khi bạn nghỉ ngơi, thư giãn và tệ hơn khi tập luyện.
Ngược lại, đau lưng kiểu viêm lại thường là tình trạng mạn tính với các triệu chứng đau, cứng và hạn chế vận động cột sống kéo dài hơn 3 tháng. Những triệu chứng này thường nặng hơn khi nghỉ ngơi, nặng hơn vào ban đêm hay sáng sớm. Đặc biệt, việc tập luyện thể dục lại có xu hướng giúp giảm nhẹ triệu chứng đau.
Như vậy, nếu bạn đang trải qua một cơn đau lưng mạn tính (kéo dài hơn 3 tháng) thì có khả năng nó có nguồn gốc từ viêm. Bên cạnh đó, phần lớn trường hợp đau lưng kiểu viêm ở người trẻ lại liên quan đến bệnh viêm cột sống dính khớp – một căn bệnh tiến triển chậm nhưng lại có xu hướng gây dính khớp, gây ra nhiều đau đớn và tàn phế cho người bệnh. Khoảng 1/5 người bị đau lưng kiểu viêm là do bệnh lý viêm cột sống dính khớp.
Đặc trưng của cơn đau lưng mạn tính trong viêm cột sống dính khớp
Triệu chứng sớm thường thấy ở viêm cột sống dính khớp là đau lưng ở vùng cột sống thắt lưng hoặc vùng mông, cơn đau kiểu viêm và kèm theo hiện tượng cứng cột sống. Tình trạng viêm hay xảy ra ở khớp cùng chậu và biểu hiện bằng triệu chứng đau vùng mông, ở một hoặc cả hai bên.
Khác với cơn đau lưng cơ học có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, đau lưng kiểu viêm nói chung khởi phát ở độ tuổi trẻ, thường là dưới 40 tuổi. Đồng thời, các triệu chứng bắt đầu âm thầm và diễn tiến dần qua nhiều tháng hay nhiều năm, thường ít nhất là 3 tháng. Do đó, người mắc phải viêm cột sống dính khớp thường trải qua cơn đau lưng mạn tính với các đặc trưng như:
- Cơn đau không cải thiện khi nghỉ ngơi
- Đau cải thiện hơn khi vận động, luyện tập nhẹ
- Đau vào ban đêm và có thể khiến người bệnh mất ngủ
- Cứng khớp vào buổi sáng, đặc biệt ở vùng cột sống bị viêm có khi kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ
Nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp, tình trạng đau và cứng khớp có thể lan rộng khắp cột sống, theo thời gian lan đến vùng cổ. Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau, khó chịu ở lồng ngực, bả vai, hông, đùi và gót chân. Cuối cùng, các đốt sống sẽ dính lại với nhau (dính khớp) và khiến cột sống cong về phía trước, gây gù lưng (gù cột sống) nghiêm trọng.
Bạn nên làm gì nếu nghi ngờ mình bị đau lưng mạn tính kiểu viêm?
Bạn có thể trải qua nhiều cơn đau lưng do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đời nhưng đừng chủ quan mà nghĩ rằng chúng đều giống như nhau. Khi cơn đau lưng lâu ngày cứ kéo dài dai dẳng kèm theo những đặc điểm lạ hơn cơn đau thông thường như được đề cập ở trên, bạn nên tìm đến bác sĩ nội cơ xương khớp uy tín ở các bệnh viện lớn.
Lý do bạn nên tìm bác sĩ nội cơ xương khớp là vì cơn đau lưng mạn tính kiểu viêm ở người trẻ đa số liên quan đến bệnh lý viêm cột sống dính khớp. Nếu chẳng may bạn mắc phải căn bệnh này, bác sĩ nội cơ xương khớp sẽ có khả năng đưa ra được chẩn đoán đúng ngay từ đầu và lên kế hoạch điều trị hiệu quả, tránh để bệnh tiến triển nặng gây cứng khớp ở tư thế xấu.
Nếu bạn đã từng làm xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh cho đau lưng kiểu viêm, hãy đưa cho bác sĩ xem kết quả này. Các bác sĩ nội cơ xương khớp đều có khả năng nhận định rõ về tiêu chuẩn đánh giá đau lưng kiểu viêm, giúp phát hiện viêm cột sống dính khớp sớm. Để tìm hiểu rõ hơn về khả năng mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, bạn có thể làm thử bài kiểm tra tầm soát bệnh ở dưới đây.
Nội dung được tham vấn y khoa bởi Liên Chi Hội Thấp Khớp Học TP. Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.
VN2011273947
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Hello Bác sĩ
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét