Nhiều năm trước, nhắc đến quan hệ tình dục (QHTD) bằng miệng là một điều hết sức nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ.Thì giờ đây, đối với người trưởng thành, QHTD bằng miệng được xem là một điều thú vị và lành mạnh. Tuy nhiên, QHTD bằng miệng cũng ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Virus gây u nhú ở người (HPV)
Người nhiễm HPV ở sinh dục, hậu môn, trực tràng, miệng, họng có thể lây sang người lành qua QHTD bằng miệng.
Một số triệu chứng có thể gặp là: mụn cóc sinh dục hoặc hậu môn; mụn cóc trong khoang miệng, họng khiến cảm thấy khó thở hoặc khó phát âm. HPV có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên có trường hợp, ngay cả khi điều trị mụn cóc sinh dục, HPV vẫn không thể bị loại trừ, do đó bệnh nhân vẫn có thể lây truyền HPV sang người khác.
Herpes
Người nhiễm Herpes ở miệng, khu vực sinh dục, trực tràng và hậu môn có thể lây sang người lành qua QHTD bằng miệng. Khi mắc Herpes thường không có biểu hiện ra bên ngoài, hoặc nếu có thì rất nhẹ. Những triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện sau khi nhiễm gồm: đau ngứa, loét xung quanh khu vực sinh dục, trực tràng hoặc miệng; đau đầu; sốt; đau thân mình; hạch sưng đau.
Biểu hiện của mắc virus gây u nhú ở người (HPV).
Nhiễm virus viêm gan B
Người nhiễm virus viêm gan B có thể lây truyền sang cho người lành qua tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo khi QHTD bằng miệng.
Khi virus viêm gan B tiến triển thành bệnh thường ít hoặc không có biểu hiện. Một số triệu chứng thường gặp là: nổi ban; đau cứng khớp; sốt; mệt mỏi; buồn nôn, nôn; chán ăn; vàng da, vàng mắt; nước tiểu sẫm màu; đau hoặc khó chịu vùng bụng…
Bệnh lậu
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh lậu có thể lây truyền qua QHTD bằng miệng với người bị bệnh lậu ở họng, âm đạo, dương vật, đường niệu hoặc trực tràng – hậu môn. Khi mắc lậu, không phải lúc nào cũng có dấu hiệu biểu hiện ra ngoài.
Các triệu chứng thường thấy là: cảm giác bỏng rát khi đi tiểu; đau họng; tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật, hoặc trực tràng – hậu môn; sưng đau tinh hoàn; đau trực tràng. Nếu bệnh lậu không được điều trị đúng cách, các biến chứng phức tạp có thể xảy ra bao gồm: tăng nguy cơ nhiễm HIV; vô sinh ở nữ giới; viêm mào tinh hoàn ở nam giới.
Nhiễm Chlamydia
Chlamydia có thể lây truyền từ người bệnh (mắc Chlamydia ở họng, âm đạo, dương vật, trực tràng – hậu môn) sang người lành qua QHTD bằng miệng.
Khi mắc Chlamydia nếu bị ở họng thì có thể có đau họng, nếu bị ở các bộ phận khác như trực tràng – hậu môn, bộ phận sinh dục hay đường niệu thì các dấu hiệu có thể gặp là: dịch tiết bất thường như dịch máu, tiết ra từ âm đạo, dương vật, hoặc trực tràng – hậu môn; cảm giác bỏng rát khi đi tiểu; đau trực tràng; sưng đau tinh hoàn.
Nhiễm Chlamydia cần điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn với kháng sinh. Nếu không điều trị, các nguy cơ phải đối mặt bao gồm: vô sinh ở nữ giới; viêm mào tinh hoàn ở nam giới; tăng nguy cơ lây nhiễm HIV…
Trichomonas
Là bệnh nhiễm khuẩn hay gặp do ký sinh trùng gây ra. Người bị mắc Trichomonas ở âm đạo hoặc dương vật sẽ lây nhiễm sang người lành qua QHTD bằng miệng, người bị lây nhiễm sẽ mắc Trichomonas ở vùng họng.
Các triệu chứng có thể gặp là: tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật; đỏ tấy, đau ngứa xung quanh âm đạo; cảm giác bỏng rát khi đi tiểu. Trichomonas có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng một liều kháng sinh duy nhất.
Giang mai
Là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Giang mai có thể lây truyền qua QHTD bằng miệng với người mắc bệnh, đặc biệt là khi có sự tiếp xúc trực tiếp với săng giang mai hoặc nốt ban. Bệnh giang mai trải qua 4 giai đoạn (từ 1-4).
Khi giang mai ở giai đoạn 4 (tuy hiếm gặp) bệnh nhân sẽ đối mặt với những biến chứng phức tạp như: tổn thương nội tạng; sụt giảm thị lực; giang mai thần kinh xảy ra khi bệnh lan tới não và hệ thần kinh. Triệu chứng của giang mai thần kinh gồm đau đầu; khó cử động cơ thể; mất cảm giác; sa sút trí tuệ…
Nếu không được điều trị, giang mai giai đoạn 4 có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo BS. Đặng Lan (Sức Khỏe & Đời Sống)
Theo: Gia đình
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét