Bạn phải làm gì khi có chồng ‘trẻ con’?

* Dân gian có câu “Dạy con từ thuở còn thơ/dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Nhưng thực ra trong hôn nhân người đàn ông cũng cần được điều chỉnh một số thói quen, tính cách, cho phù hợp với cuộc sống vợ chồng.


Trong thực tế có những người đàn ông từ bé vốn được sống trong sự bảo bọc nuông chiều của gia đình, nhất là của người mẹ, nên đến khi trưởng thành, cả lúc có vợ rồi anh ta vẫn như một đứa trẻ trong sinh hoạt đời thường.


Hùng, bạn tôi, là một người đàn ông như thế. Anh là kỹ sư máy tính, đang là trưởng phòng kỹ thuật cho một công ty. Dưới anh có hàng chục nhân viên, được xem là một người thành đạt ngoài xã hội, ra đường được mọi người nể phục. Thế nhưng vợ anh, chị Thoa, vẫn than phiền anh như một “đứa trẻ con”, thậm chí chị còn hài hước nói anh là một “đứa trẻ con có râu”.


                


Bạn phải làm gì khi có chồng ‘trẻ con’?

   

Bạn phải làm gì khi có chồng ‘trẻ con’? Ảnh: IT

   

Sự trẻ con của anh thể hiện rỏ nét ở khả năng tự phục vụ bản thân. Ăn phải có người bưng tận nơi, mâm cơm thiếu cái muỗng đôi đũa, anh cũng ngồi tại chỗ kêu vợ chứ không nhấc chân lên, ăn xong anh buông đũa chén tại chỗ.


Tắm phải có người mắc sẵn khăn áo. Nhiều lúc tắm xong, ở trong phòng tắm, anh la toáng lên khiến chị giật mình vội vội vàng vàng chạy vào thì ra cái khăn tắm chị chuẩn bị sẵn đã bị anh làm rơi xuống sàn không dùng được.    


Từ ngày cưới nhau đến giờ hơn chục năm, số lần chị Thoa để chồng ở nhà một mình đếm không hết trên mười đầu ngón tay. Chị chỉ vắng nhà vài ngày khi đi công tác hoặc có việc về bên ngoại.  Mỗi lần như thế hoặc là anh ăn cơm tiệm, hoặc là chị kho sẵn một nồi thịt kho rệu (món khoái khẩu của anh) chia ra từng phần để trong ngăn đá, anh ăn phần nào chỉ việc lấy ra cho vào lò vi sóng hâm lên. Vậy mà có bữa anh còn cắm nồi cơm điện, bữa lại ra ngoài tiệm mua quách một hộp cơm trắng cho nhanh.


Mười lần như một, trở về bước chân vô nhà bao giờ chị Thoa cũng đối mặt với phòng ốc chăn màn bừa bộn, quần áo vứt lung tung, bồn rửa chén vung lên tràn ra ngoài…


Chị Thoa tâm sự, yêu chồng thì chị vẫn yêu nhưng nhiều lúc nghĩ thật ngao ngán. Có ngày vì mệt quá chị không buồn nói với anh một câu.


Công bằng mà nói cũng không phải không có những bà vợ thích lấy tinh thần “làm mẹ” đối xử với chồng. Họ quan tâm chăm sóc cho chồng từng li từng tí như lo cho con nít. Mùa mưa chuẩn bị sẵn áo mưa, mùa nắng chuẩn bị sẵn áo khoác, mùa lạnh chuẩn bị sẵn khăn quàng cổ, mùa dịch chuẩn bị sẵn khẩu trang… mùa nào thức nấy đến nỗi ông chồng còn không biết  tháng mấy trời mưa, khi nào qua mùa nắng, không biết khẩu trang đã lên tới 300 ngàn một hộp mà phải mua ở đâu mới có.


Nhiều bà quyết định luôn cả việc hôm nay mặc áo gì, đi giày nào. Ra đường ngồi trên xe cho chồng chở, miệng không ngừng điều khiển, chỉ dẫn, nhiều khi nâng lên tầm triết lý về văn hóa giao thông ra rả bên tai chồng.


Làm như vậy là vô hình trung các chị biến ông chồng đã sẵn trẻ con của mình không bao giờ lớn lên được.


Với những ông chồng thuộc loại “trẻ con có râu”, các bà vợ không nên bó tay ngồi chờ anh ta thay đổi. Sẽ không có sự thay đổi nào đâu, trừ khi các chị phải quyết liệt ra tay. Hãy áp dụng câu nói của dân gian quật lại họ kiểu “gậy ông đập lưng ông”. Có nghĩa là … “dạy chồng từ thuở ban sơ mới về”.


Nhất quyết nói không với thói quen “hầu hạ” các nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày của chồng trừ những trường hợp thật cần thiết. Phải nói cho anh ấy biết sự khác biệt trong cách chăm sóc của một bà mẹ đối với đứa con và sự chăm sóc của người vợ đối với chồng.


Khi chồng bạn hỏi, cái quần, cái áo, đôi vớ của anh ta để ở đâu, bạn hãy chỉ chỗ cất nó chứ không ngoan ngoãn, tất tả, chạy đi lấy nó đưa cho chồng.  


Khi chồng bạn đi công tác xa, bạn hãy để anh ấy tự thu xếp hành trang. Hãy cho anh ấy biết, chỉ có anh ấy mới biết anh ấy cần mang theo những gì cần thiết đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và làm việc ở nơi đó. Các chị chỉ cần nhắc nhở xem đã đủ chưa nhất là các món cần thiết như vé máy bay, passport… chẳng hạn.


                


Bạn phải làm gì khi có chồng ‘trẻ con’?

   

Hãy nỗ lực giúp anh ấy trở thành người đàn ông trưởng thành nếu chẳng may bạn cưới nhằm người đàn ông trẻ con. Ảnh: IT

   

Có chị bảo rất khó huấn luyện được đàn ông vì anh ta đã quen sống như thế với sự chăm sóc của mẹ từ nhỏ rồi. Nhưng nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa đã khẳng định: “Bất kể đàn ông hay phụ nữ đều huấn luyện được hết. Khi bạn cưới một ông chồng, đó mới là “nguyên liệu thô” thôi, còn “chế tác” anh ta thành cái gì là do bạn. Nhưng muốn như thế trước hết bạn đừng coi chồng là trẻ con không biết gì mà phải luôn nhớ rằng anh ta là đàn ông đã trưởng thành và bạn hãy bằng mọi cách khẳng định chồng mình là đàn ông đích thực”.   


“Nhưng nên nhớ là bạn phải làm chuyện này ngay từ đầu, càng sớm càng tốt. Nếu để lâu chẳng khác gì bạn bắt đầu dạy đàn violon cho ông già 70 tuổi”, nhà tâm lý nhắc nhở thêm.  


Nguồn: Thế giới tiếp thị




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét