Sống xa nhau để làm tươi mới mối quan hệ vợ chồng

* Xu hướng sống xa nhau đang ngày càng phổ biến ở các cặp vợ chồng lớn tuổi và có trình độ học thức cao. Mục đích giữ khoảng cách này là để làm tươi mới mối quan hệ vợ chồng.


Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow tiết lộ với báo chí là cô và chồng Brad Falchuk hiện nay thỉnh thoảng không sống chung với nhau. Mục đích tạo ra khoảng cách này là để giữ lửa trong mối quan hệ hôn nhân.


Cô cũng chia sẻ, chính nhờ cách sống này mà ngay cả với chồng cũ, Chris Martin, cô vẫn duy trì được tình bạn, đồng thời mối quan hệ giữa hai người đàn ông mới, cũ, Martin và Falchuk, cũng đang thuận thảo. Thú nhận này được một số chuyên gia nhất trí. Vậy đâu là lý do khiến nhiều người theo đuổi trào lưu sống này?


                




   

Nữ diễn viên Gwyneth Paltrow tiết lộ với báo chí là cô và chồng Brad Falchuk hiện nay thỉnh thoảng không sống chung với nhau. Ảnh: IT

   

Cụ thể hơn, theo tờ Times, khi những đứa con riêng của Falchuk với vợ trước nghỉ hè về chơi với bố, Falchuk thường ngủ lại tại nhà riêng của anh với các con. Những ngày còn lại, Falchuk sống với Paltrow. Nữ diễn viên cho biết, quyết định vợ chồng sống kiểu này được thầy giáo riêng của cô gợi ý, và cô cũng thấy nó giúp mối quan hệ vợ chồng bớt đơn điệu.


Xu hướng sống xa nhau này trông vậy chứ không phải đôi nào cũng thực hiện được, bởi rất ít cặp vợ chồng sở hữu đủ nguồn tài chính dồi dào để duy trì hai căn hộ riêng cùng lúc, hoặc đủ rảnh để chia nhau chăm sóc con cái. Thế nhưng xu hướng vẫn đang thu hút nhiều thành viên,  đặc biệt là với các đôi vợ chồng đã “bộn” tuổi, đã từng ly dị hoặc góa bụa như vợ chồng Paltrow (Paltrow và Falchuk, cả hai đã từng qua một đời hôn nhân).


Các nhà khoa học xã hội gọi đây là “mốt” sống xa nhau. Giới chuyên gia nhận định việc tách biệt một chút khoảng cách có thể ngăn chặn sự nhàm chán trong mối quan hệ vợ chồng.


Do không thường gặp nhau nên cả hai vợ chồng thường tìm cách tối đa hóa mối quan tâm đến nhau những lúc có dịp trùng phùng. Một cô vợ trẻ người Mỹ từng tâm sự: “Khi ở chung nhà, có buổi chúng tôi chẳng nói với nhau một lời, còn giờ, khi sống xa nhau gặp lại, hai vợ chồng ríu rít như chim. Người ta thường nghĩ vợ chồng mỗi người một nơi dễ xa mặt cách lòng có khi dẫn đến ngoại tình. Nhưng với chúng tôi, sống xa nhau lại mang lại nhiều điều tốt đẹp”.


Theo chuyên gia tâm lý hôn nhân, trong thời gian đầu, các cặp đôi thường có thói quen vợ chồng mỗi tối cùng nhau vào bếp, rồi ăn chung trò chuyện. Thế nhưng do cả hai còn công việc, học hành, nên lâu dần chẳng ai còn duy trì thường xuyên thói quen này nữa. Trái lại có nhiều lúc họ còn có nhu cầu được ở một mình. Cho nên mặc dù ở chung phòng nhưng chẳng ai mở miệng với nhau câu nào, chồng chúi mũi vào TV, vợ không thích kênh đó, lẳng lặng sang phòng khác.


Sống xa nhau, mỗi người có cuộc sống riêng, vợ chồng vừa là bạn đời, đồng thời cũng vừa là đôi bạn thân, tôn trọng sự độc lập cá nhân của nhau, người ta dễ thoải mái hơn.


Trong một số trường hợp, kiểu sống xa nhau này dần dần trở thành quán tính, từ đó khiến ý đồ chia tay trở nên khó thực hiện hơn nếu vợ chồng có chuyện xào xáo. Theo chiều hướng tích cực ấy, xu hướng sống này càng ngày càng phổ biến và được xã hội chấp nhận trong một số cộng đồng nhất định.


Năm 2013, nhà xã hội học của Đại học New York, Eric Klinenberg, đã phân tích về trào lưu này trên tờ New York Times. Theo ông, gu sinh hoạt ấy rất hấp dẫn các cặp vợ chồng sống ở New York, nơi có nền văn hóa công cộng thịnh vượng và người ta ít soi mói về phong cách sống của nhau. New York đã vậy tất Los Angeles, nơi Paltrow và Falchuk đang sống, càng thoáng hơn.


                




   

Mục đích của trào lưu sống xa nhau là để giữ lửa trong mối quan hệ hôn nhân. Ảnh: IT

   

Bên cạnh đó, các yếu tố nhân khẩu học cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc hình thành kiểu sinh hoạt này. Một bài báo được xuất bản trên tạp chí Demographic Research (Nghiên cứu nhân khẩu học) cho thấy việc sống xa nhau phổ biến hơn giữa những người đồng tính nam và các cặp vợ chồng có giáo dục cao. Nó cũng hiện diện trong số những người Mỹ lớn tuổi. Một cuộc khảo sát năm 2011 với khoảng 7.700 người Wisconsin ở độ tuổi từ 50 trở lên cho thấy, 8% đã là bạn tình nhưng chưa kết hôn và 39% áp dụng thêm kiểu sống xa nhau.


Tuy nhiên, khi khảo sát tại châu Âu, bài báo cũng nhận thấy phần lớn số vợ chồng được hỏi, trả lời họ có ý định sống chung với nhau trong vòng ba năm đã rồi muốn kiểu gì thì tính sau.  


Nguồn: Thế giới tiếp thị




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét