Và dường như mẹ lại dùng cái lý của người lớn hơn, của người đi làm, của người làm mẹ để đè lên hết mọi sự đề nghị của em….đến khi em bị đè nén quá lâu, em bật khóc.
Chào anh/chị Em hiện tại 18 tuổi ,học lớp 12. Em hiện đang cảm thấy rất rất stress với mẹ của mình, nhất là vào giai đoạn mùa dịch này và em đang sắp phải bước vào kì thi THPTQG nên em thực sự rất áp lực….
Em cảm thấy mẹ thường chú ý và can thiệp vào cuộc sống cá nhân riêng tư của em.Khi em còn nhỏ thì em không để ý nhiều lắm nhưng càng lớn khi suy nghĩ em ngày 1 đổi khác em cảm thấy mẹ không tôn trọng không gian riêng tư của em. Dĩ nhiên em biết người mẹ nào không yêu thương quan tâm con cái, em cũng biết rằng được mẹ quan tâm chăm sóc là điều tốt nhưng bây giờ khi em bắt đầu có ý thức tự lập mẹ em vẫn tạo cho em một cảm giác thái quá như vậy…..
Và chuyện khác, là năm nay mẹ em bắt đầu về hưu mẹ em cũng đang rất stress với việc phải ngồi nhà không được lao động không có công việc, em thực sự rất thương và hiểu cho mẹ nhưng dường như mẹ không hiểu em đang áp lực như thế nào, do tâm trạng tù túng nên mẹ thường cáu gắt và la mắng em trước mặt rất nhiều người.
Do không thể chịu nổi nữa em có nghe mọi người khuyên rằng nên chia sẻ cùng mẹ nên em quyết định ngồi chia sẻ với mẹ chỉ mong là 2 mẹ con có thể hiểu cho tâm trạng nhau hơn, nhưng KHÔNG, mẹ thậm chí không nghe em nói mà còn “chấn” em bằng 1 câu khiến em không thể nói lại được :” tao nuôi mày mà mày đi nói vậy với tao, mày là con tao mà tao la mắng một chút cũng đi nói, v..v… “em cũng nói rõ là em năm nay em học rất mệt rất stress rồi,mẹ có thể không hài lòng cái gì em làm,có thể la em, mắng em nhưng có thể nhẹ nhàng hơn một chút được không??? Và dường như mẹ lại dùng cái lý của người lớn hơn, của người đi làm, của người làm mẹ để đè lên hết mọi sự đề nghị của em….đến khi em bị đè nén quá lâu, em bật khóc.
Và mẹ em cũng bật khóc và dùng tâm trạng của người về hưu để tiếp tục công kích người đang rất áp lực về việc học,mẹ em cho rằng em không thương mẹ ,em thua rồi…. Em thực sự bất lực, em mệt mỏi lắm rồi…. Năm 18 tuổi của em, vẫn không thể tự lập, vẫn bị kìm kẹp, vẫn không được tôn trọng quyền riêng tư, người mà em yêu thương tin tưởng nhất trong gia đình có lẽ không còn là nơi để em tin tưởng trút hết nỗi buồn phiền nữa rồi……
Em có phải đứa bất hiếu không? Em phải làm sao đây? Thực sự rất mong nhận được sự tư vấn từ những chuyên gia của chương trình ạ! Em xin cảm ơn!
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thư về cho chương trình. Qua thư, chúng tôi hiểu rằng bạn đang băn hoăn, buồn thật nhiều, không biết làm thế nào để có thể xoa dịu mối quan hệ với chính mẹ của mình. Chúng tôi xin chia sẻ với bạn về vấn đề này.
Bạn thân mến! Chắc hẳn bạn đã áp lực thật nhiều vì khoảng thời gian sắp phải đối mặt với kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia quan trọng, bạn đã ao ước được quan tâm, lắng nghe, chia sẻ từ bố mẹ, nhưng có vẻ như điều bạn mong muốn không được khả thi khi chính mẹ bạn cũng đang gặp áp lực với chính vấn đề của mình. Việc cả hai cùng gặp những bế tắc trong những vấn đề riêng của bản thân, có thể khó có thể bình tĩnh, hay là thấu hiểu người khác. Trước đây mẹ bạn là người như thế nào? Bạn người con ngoan ngoãn, yêu thương, cảm thông cho mẹ thật nhiều, nhưng bạn có nghĩ đến việc mình đi chia sẻ với những người khác về mâu thuẫn với mẹ, về những điều mẹ bạn không tốt và vô tình mẹ bạn biết được điều đó có thể là lý do khiến mẹ bạn không hài lòng, đẩy sự khó chịu của mẹ bạn lên cao không? Và chính mẹ bạn đang không giải tỏa được cảm xúc của chính mình nên mới thả những dồn nén của chính mình lên bạn? Và dù bạn đã 18 tuổi nhưng trong mắt mẹ bạn, bạn vẫn là đứa trẻ, mẹ bạn cũng vì yêu thương con nên mới bao bọc, che trở cho bạn, bạn đã là gì để chứng minh cho mẹ bạn thấy mình đã có thể tự lập? Bạn nghĩ sao về việc sẽ âm thầm nhờ những người có tiếng nói hơn trong gia đình có thể hỗ trợ mẹ bạn vượt qua khủng hoảng tuổi về hưu này, tác động tích cực đến mẹ bạn?
Chúng tôi hiểu rằng việc căng thẳng trong mối quan hệ với mẹ ảnh hưởng không ít đến cuộc sống cũng như học tập của bạn. Tuy nhiên mỗi bố mẹ lại có những quan điểm khác nhau trong phong cách dạy con, có người đồng hành cùng con như một người bạn, có những người lại gặp khó khăn trong lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm, những vấn đề trong cuộc sống, học đường của con cái. Chúng ta không thể trong một lúc muốn họ thay đổi là thay đổi được luôn, trước hết với những áp lực của bản thân trong chuyện học tập, bạn có thể sắp xếp cho mình một thời gian biểu hợp lý, giành thời gian thư giãn, rèn luyện sức khỏe để có thể tập trung vào việc học.
Bên cạnh đó, hãy quan tâm đến mẹ mình nhiều hơn, cùng mẹ chia sẻ công việc nhà, cùng với các thành viên khác tạo bầu không khí thoải mái trong gia đình để mẹ bạn cảm nhận được rằng dù mọi thứ có thay đổi nhưng vẫn còn có gia đình luôn ở cạnh, là chỗ dựa cho mẹ bạn. Hãy không ngừng chia sẻ với mẹ bạn, chứng minh cho mẹ bạn thấy rằng dù không có người khác khuyên bảo thì bạn cũng sẽ vẫn chia sẻ, muốn được mẹ chia sẻ, bạn hiểu những áp lực của mẹ và cũng muốn mẹ hiểu cho những áp lực của mình, “ mưa dầm thấm lâu” và không người mẹ nào muốn trở thành áp lực cho con, hoặc là cho những đứa con mình buồn, chỉ là vì thời điểm chia sẻ có thể chưa thực sự phù hợp, mẹ bạn cũng cần có những khoảng lặng để bình ổn lại cảm xúc của mình. Đừng quên sự trợ giúp của những người có tiếng nói trong gia đình tác động tích cực đến mẹ bạn nhé!
Hãy cố gắng học tập tốt, phát triển bản thân hơn, sống hạnh phúc hơn đó có lẽ là điều mẹ bạn mong đợi sau những áp lực của chính mình khi tạo ra cho bạn. Bạn cũng hãy coi đó là điều để bản thân mình cố gắng hơn vì mình mà cũng vì mẹ bạn.
Nguồn: Cửa sổ tình yêu
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét