Chồng chị là một kiểu người thực tế, thực tế đến mức khô… quắt queo như chính cái nghề của anh: thợ điện.
Ngay từ hồi mới quen, anh đã nói thẳng rằng từ nhỏ tới lớn chưa biết tặng quà gì cho ai, nên anh cũng không biết mua gì tặng chị. Thôi thì, “anh dẫn em đi ăn, tặng cái bao tử em một bữa ngon vậy”.
Chị, thoạt đầu cũng tủi thân, cũng hờn dỗi ghê gớm. Nhưng rồi cái bao tử được dỗ dành thành ra cũng mau quên. Cưới nhau, dù chồng ham nhậu nhưng khi ở nhà là anh xắn tay phụ vợ mọi thứ. Khi chị ốm nghén, ngửi mùi gì cũng nôn, anh thay vợ làm hết việc nhà, từ đi chợ, nấu ăn đến giặt giũ, phơi phóng.
Ảnh minh họa
Có hôm chị đi làm về, thèm ít đồ ăn vặt nên tạt ngang chợ gần nhà. Mấy cô bán hàng cứ nhìn chị rồi cười tủm tỉm bảo số chị sướng, có ông chồng mặt mày bặm trợn mà lại đi chợ lựa đồ ăn giỏi hơn đàn bà, đàn ông kiểu này không phải dễ kiếm.
Chị chỉ cười thầm trong bụng. Có thật là chị sướng không? Đồ ăn bữa nào chồng cũng nêm mặn chát, chị bầu bì ăn mặn hôm trước hôm sau tay chân mặt mũi sưng phù lên. Chén bát thì một hai hôm lại vơi đi một ít vì “anh tuột tay, nước rửa trơn quá”. Nhiêu đó chưa thảm bằng khu vực bếp nấu. Thớt, dao, thau, rổ… dính đầy thực phẩm khi chế biến, dầu mỡ bắn vào tung tóe, anh không dọn rửa ngay sau khi nấu mà cứ thủng thỉnh để đó rồi nằm khểnh lướt điện thoại.
Chị vốn gọn gàng, kỹ tính, cứ nhìn thấy căn bếp bừa bộn lại gắt ầm lên. Thế là cãi nhau. Thế là mâm cơm có khi nguội ngắt nguội ngơ chỉ mình anh ngồi vọc đũa. Chị ôm bụng thở dài, tan hết một niềm sung sướng.
Sau sinh, chị nhất quyết giành lại “giang sơn”. Anh cười tít, “công nhận em là siêu đầu bếp”. Thế nhưng, dịp 8 tháng 3 năm nay anh lại “xin” gian bếp một ngày. Anh nói muốn dẫn mấy mẹ con đi ăn hàng quán, mà tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang “khó lường”, nên hạn chế đến chỗ đông người.
Đúng như dự đoán, anh vào bếp một buổi thôi mà mọi thứ rối tung lên. Thực đơn phải lên từ tối hôm trước. Chị nói, nhà có 4 người, mình nấu món nào đơn giản, 1 món lẩu thôi cũng được, vui là chính. Anh không chịu, phải đâu ra đó đàng hoàng chớ, lễ mà! Vậy là nào lẩu, nào tôm hấp, sò nướng mỡ hành, gỏi, chả giò… chị nghe mà phát hoảng.
Ngày của chị em phụ nữ, ai chẳng muốn được người đàn ông trong nhà nhớ tới, tôn vinh. Nhưng bày vẽ như cách của anh, chị ớn!
Anh khệ nệ mang thực phẩm về, xắn tay vào bếp, hô hào hai đứa con hỗ trợ. Đứa nhặt rau, đứa rửa tôm, chị cũng phải nhào vô phụ một tay… Con làm không đúng ý là anh la ỏm tỏi. Bữa ăn cuối cùng cũng dọn ra, chị thừa biết chất lượng ra sao. Nhưng tạm hài lòng, dù gì chồng cũng còn hơn hẳn vài anh chồng khác. Chồng có lòng nấu nướng thì vợ cũng có… bụng để thưởng thức. Chỉ tội hai đứa nhỏ, bị ba quát tháo, chúng mất hết cả hứng ăn, dù cả hai rất thích món tôm hấp.
Bữa tiệc mừng 8 tháng 3 cũng xong, đồ dơ trên bếp cũng được rửa sạch sẽ. Hôm nay anh cũng ăn như ăn một bữa cơm, không thấy thêm ly bia nào vào bàn. Vậy cũng mừng.
Chị thủ thỉ: “Chồng ơi, mai mốt lễ lạt gì chỉ cần anh mua tặng em một cành bông, dù là bông… gòn thôi cũng được, đừng nấu nướng nữa nha anh!”. Chồng ngạc nhiên: “Anh nấu không ngon hả?”. Chị lắc đầu: “Đâu có, tại em thấy bày ra mất công anh quá thôi!”.
Không lẽ chị nói toẹt ra là mình thấy… mệt hơn. Mà không lẽ chồng không thấy mặt hai đứa con buồn hiu trong bữa ăn. Không lẽ với anh, 8 tháng 3 chỉ cần làm vợ vui là đủ, còn con thì… ngoại lệ?
Theo Trần Huyền Trang (phunuonline.com.vn)
Nguồn: Người Lao động
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét