“Bé Kem đã về nhà và trộm vía sức khỏe ổn định. Về bệnh tình của mình thì mình mắc chứng ung thư máu M3, mình nghe bác sĩ giải thích là cấp tính nguy hiểm nhưng hiện đã có thuốc đặc trị nên mình cũng lạc quan phần nào” – Đó là những lời tâm sự sau một tuần sinh em bé của chị Lưu Ngọc Lan (29 tuổi) hiện tại đang là giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội.
Chị Lan không may mắc bệnh ung thư máu M3 khi đang mang thai ở tuần 37, song bằng sự nỗ lực của bản thân và những cố gắng của đội ngũ y bác sĩ ca mổ lấy con đã diễn ra tốt đẹp.
Chị Lưu Ngọc Lan đang là cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội.
Sinh 10 ngày chưa được gặp con, vết mổ chưa lành đã phải truyền hóa chất
Sáng 28/3, anh Nguyễn Tiến Dũng (chồng chị Lan) đang túc trực chăm sóc chị Lan ở viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương. Đã 8 ngày trôi qua kể từ lúc chị Lan được hàng chục y bác sĩ ở bệnh viện phụ sản Trung Ương và viện máu phối hợp mổ cứu sản phụ mắc ung thư máu.
Nằm trên giường bệnh, gương mặt chị Lan có phần tươi tỉnh hơn khá nhiều sau ca mổ “gấp rút” để bắt em bé ra ngoài. Hay tin sức khỏe bé Kem đã ổn định và được xuất viện về nhà với ông bà, chị không giấu được niềm hạnh phúc. Ngồi bên cạnh, anh Dũng khẽ lau những giọt nước mắt lăn trên má cho vợ. Suốt 10 ngày vừa rồi, anh và vợ đã trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc từ bất ngờ, không tin đến nghẹt thở, hạnh phúc và chấp nhận.
Sau 5 ngày được theo dõi tại bệnh viện phụ sản trung ương, sức khỏe bé Kem đã ổn định và được về nhà.
Hướng mắt về phía vợ nằm, anh nghẹn ngào: ”Sinh xong vợ mình vẫn đang mệt, vì phải điều trị hóa chất và truyền máu liên tục. Những lúc mệt quá thiếp đi khi tỉnh dậy vợ lại hỏi về con: ”Con thế nào rồi?”. Khi mình thông báo con ngoan, biết bố mẹ vất vả nên con ít khóc, nghe vậy mắt vợ mình sáng bừng lên, nhưng sau đó vì mệt, cô ấy lại thiếp đi. Hiện tại vợ mình vẫn đang phải điều trị hóa chất, các bác sĩ nói bệnh lý khá phức tạp và thay đổi từng ngày, nên cần thêm thời gian để chữa trị và theo dõi”.
Được biết chị Lan hiện tại ăn được một chút các món dành cho phụ nữ sau sinh, tuy nhiên do bị ảnh hưởng bởi điều trị hóa chất nên vài ngày trở lại đây chị bắt đầu có biểu hiện chán ăn.
Nói về tình hình sức khỏe của con gái, anh Dũng xúc động: ”Từ hôm vợ sinh xong, mình túc trực 24/24 ở đây để chăm vợ nên chưa có thời gian về nhà. Sau sinh con được chuyển sang viện C để các bác sĩ theo dõi, hôm 25/3 hai vợ chồng được gia đình thông báo rằng con đã ổn định nên được xuất viện về nhà. Cả hai đều nhớ con nhưng cũng chỉ biết ngắm con qua ảnh và video được người nhà gửi qua điện thoại thôi.
Thông tin từ ông bà thì bé ngoan, uống sữa công thức, có lẽ bé rất “hiểu chuyện” vì biết mẹ vất vả nên con ngoan lắm, ít khóc hơn các bạn khác. Mình mong từng ngày để cả nhà được đoàn tụ”.
Vẫn trong dòng cảm xúc khi chia sẻ về vợ và đứa con gái bé bỏng, anh Dũng nghẹn ngào: “Nhìn vợ chịu đau đớn khi điều trị hóa chất, mình xót xa lắm, thương vợ vô cùng nhưng bản thân thì bất lực. Cô ấy vừa mổ sinh con vết mổ còn chưa kịp hồi phục thì đã phải bước ngay vào các đợt điều trị tế bào ung thư. Nhiều khi chỉ ước giá có thể thay vợ gánh một phần nỗi đau”.
Mang bầu đến tuần 37 bất ngờ đau nhức không đi lại được
Đến tận bây giờ, khi đang nắm tay nhau cùng đương đầu với bệnh tật, cả anh Dũng và chị Lan đều chưa tin “cơn ác mộng” này lại ập xuống gia đình mình.
Mọi chuyện bắt đầu khi chị Lan mang thai đến tuần 37 cảm thấy đau nhức cơ thể. Chị nghĩ đơn giản là do con mỗi ngày một lớn nên cơ thể mẹ cũng thay đổi theo. Sau đó, chị thậm chí còn gặp khó khăn trong đi lại và phải nhờ chồng đẩy xe lăn mỗi khi muốn di chuyển. Chia sẻ tình trạng của mình lên mạng xã hội, chị được một vài người bạn động viên rằng mệt mỏi ở những tuần cuối thai kỳ là chuyện bình thường nên bản thân yên tâm phần nào.
Ngày đón nhận tin dữ, hai vợ chồng chị vô cùng sốc.
Thế nhưng, biến cố lớn bắt đầu xảy ra khi tối hôm thứ 2 (16/3) lúc đi tiểu chị thấy nước tiểu có màu sắc bất thường, ban đầu là màu cam, những lần sau màu nước tiểu mỗi lúc một đậm hơn. Sáng hôm sau chị cùng chồng tức tốc đến bệnh viện Việt – Pháp – nơi mà chị dự định sẽ sinh em bé để kiểm tra.
Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng tiểu cầu trong máu của chị giảm sâu, bác sĩ khuyên anh Dũng đưa vợ sang Viện Huyết học – truyền máu Trung ương. Tại bệnh viện, chị Lan được lấy máu đi xét nghiệm, các chỉ số một lần nữa cho thấy vợ anh chắc chắn mắc ung thư máu.
Nhưng rồi chị lại trấn an bản thân phải thật bình tĩnh để con yêu được chào đời an toàn.
Ngày thứ 3 nhập viện, chị Lan được chuyển lên tầng 7 của bệnh viện – là nơi điều trị bệnh nhân ung thư máu. Lúc này chị Lan vẫn chưa được chồng hay bác sĩ nói về tình trạng sức khỏe của mình mà chỉ được chồng nói rằng đưa lên tầng 7 để xét nghiệm cho chính xác. Tuy nhiên, ngồi trong căn phòng xung quanh toàn là bệnh nhân ung thư nên phần nào đó chị hình dung được thực tế mà mình sẽ phải đón nhận.
Nhắc lại cảm xúc của vợ mình lúc đó, anh Dũng rưng rưng: “Khi được đưa lên khoa tầng 7 vợ mình cảm thấy vô cùng sợ hãi vì đó là khoa hóa chất và rất đông bệnh nhân ung thư. Lan sợ và có suy nghĩ trong đầu là muốn bỏ chạy, muốn chết ngay cho nhanh bằng cách uống thuốc ngủ và oán than tại sao ông trời lại đối xử với mình như vây. Rồi sau đó tâm lý của vợ mình là chấp nhận. Cô ấy không khóc và cực bình tĩnh, bắt đầu hỏi chuyện những người bệnh xung quanh và thấy cũng nhiều người trẻ. Lúc này vợ mình ý thức được rằng đó là số phận, phải chấp nhận vì nó đã xảy ra để con được chào đời an toàn”.
Tại bệnh viện chị được nhận định ca mổ hết sức khó khăn.
Biết tình trạng bản thân đang mang thai to lại thiếu máu ngày càng nặng, tiểu cầu giảm sâu dẫn đến đi tiểu ra máu và xuất huyết nhiều nơi, cần truyền nhiều máu và chế phẩm máu cả trước, trong và sau ca mổ. Ngày 19/3, chị Lan kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh trên mạng xã hội Facebook đến hiến máu để chị có thể thực hiện ca mổ an toàn, bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương không còn nhiều.
Nhận định ca mổ hết sức khó khăn do sản phụ có nguy cơ khó cầm máu do giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu, ê kíp các bác sĩ của hai bệnh viện gồm Viện Huyết học – Truyền máu TW và Bệnh viện Phụ sản TW đã hội chẩn đưa ra quyết định mổ lấy thai ngay tại Viện máu.
Cần các bác sĩ của 2 bệnh viện hội chẩn và tiến hành phẫu thuật.
Sau những giờ phút đầy căng thẳng, thật may mắn ca mổ lấy thai của chị Lưu Ngọc Lan đã diễn ra thành công vào sáng ngày 20/3. Bé Kem chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của vợ chồng chị Lan và toàn bộ những người có mặt tại ca mổ.
Sau những giờ phút đầy căng thẳng, thật may mắn ca mổ lấy thai của chị Lưu Ngọc Lan đã diễn ra thành công vào sáng ngày 20/3.
Anh Dũng không quên ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ khi con mới lọt lòng mẹ.
Chặng đường phía trước chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của chị Ngọc Lan chắc chắn sẽ là một hành trình dài hơi. Thế nhưng, với tình yêu thương của gia đình, bạn bè, các em học sinh và thậm chí là cả những người xa lạ vô tình biết đến câu chuyện của chị, cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội như càng được thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật. Và có lẽ, động lực lớn nhất để chị cố gắng vượt qua tất cả đó là đứa con gái chưa từng được gặp mặt, như lời tâm sự trên trang cá nhân của chị mới đây: “Buồn vì mẹ vẫn chưa được gặp con yêu mà chỉ có thể nhìn qua những bức ảnh, nhưng đó sẽ là động lực lớn nhất để mẹ vượt qua căn bệnh này để sớm về với con”.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/co-giao-9x-phat-hien-ung-thu-mau-khi-mang-thai-37-tua…
Xem thêm chủ đề 9 tháng 10 ngày khổ tận cam lai
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét