Trẻ ho có đờm không sốt có thể là do trẻ bị cảm lạnh những đây cũng là dấu hiệu của bệnh liên quan đến hô hấp và nếu không nhanh chóng chữa trị, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể trẻ giúp tống dị vật xâm nhập vào đường hô hấp ra ngoài. Khi trẻ bị ho có đờm, tiếng thở của trẻ cũng thay đổi theo. Cụ thể, tiếng ho của trẻ nghe có vẻ nặng nề hơn, trẻ thở khò khè, nghẹt mũi và ho nhiều hơn để bật chất nhầy ra ngoài.
Tình trạng này khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc. Tuy nhiên, nếu trẻ ho có đờm không sốt, không đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào khác như dị ứng, phát ban thì đây thường không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng.
Trẻ ho có đờm không sốt có thể là do trẻ bị cảm lạnh hoặc mắc phải một số bệnh về đường hô hấp. Ảnh minh họa
Nguyên nhân khiến bé ho nhiều đờm không sốt
1. Cảm lạnh
Khi trẻ ho có đờm sổ mũi không sốt (hoặc sốt nhẹ), thở khò khè, nghẹt mũi, chán ăn thì khả năng cao là trẻ đang bị cảm lạnh. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường mũi, cổ họng hay phổi và gây ra các triệu chứng trên.
2. Viêm phế quản cấp
Khi bị viêm phế quản cấp, trẻ thường khó thở và nhiều đờm, kèm theo thở gấp. Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh là do virus gây viêm nhiễm vùng dưới phổi.
3. Viêm tắc thanh quản
Bệnh này thường có dấu hiệu giống cảm lạnh như sổ mũi, ngạt mũi, có đờm. Tuy nhiên, tiếng ho khi trẻ bị viêm tắc thanh quản lại hoàn toàn khác biệt, bởi lúc này trẻ sẽ ho ông ổng, khó thở, ho nhiều và dữ dội nhất về đêm.
Nguyên nhân gây bệnh là do virus lây lan khiến khí quản và cổ họng bị sưng lên, thu hẹp lại. Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi là những đối tượng rất dễ mắc phải bệnh này.
4. Viêm họng cấp
Trẻ bị viêm họng cấp thường có một số biểu hiện như đau rát cổ họng, khó nuốt, ho có đờm, sổ mũi. Lúc mới phát bệnh, trẻ thường không sốt nhưng vài ngày sau đó trẻ có thể bị sốt lên tới 39-40 độ C. Bệnh viêm họng cấp thường là do virus và vi khuẩn gây nên.
Ho có đờm có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, chán ăn, ngủ không sâu giấc. Ảnh minh họa
Phải làm gì khi trẻ bị ho có đờm không sốt?
Khi trẻ bị ho có đờm không sốt, việc bố mẹ cần làm là giúp con tiêu đờm, chữa ho càng sớm càng tốt để tránh bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bố mẹ có thể thử một số phương pháp sau để giúp con giảm bớt tình trạng này.
1. Vệ sinh mũi cho trẻ
Nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ khoảng 4-5 lần/ngày trước khi ăn hoặc trước khi ngủ để chất nhầy trong cổ họng loãng ra, giúp trẻ ăn ngon và ngủ ngon hơn. Khi trẻ bị sổ mũi, mẹ cũng cần phải hút mũi cho trẻ thường xuyên để lưu thông đường thở cho bé.
2. Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí
Sử dụng máy tạo độ ẩm là một cách tuyệt vời để giữ không khí ẩm trong phòng của con, tránh tình trạng con hít phải khí khô, từ đó giúp con thở dễ dàng hơn.
3. Tăng cường cho trẻ bú sữa hoặc uống nước
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con bú sữa nhiều hơn vì việc này có thể làm loãng dịch nhầy và giữ ẩm cho cổ họng bé, đồng thời giúp bé tăng cường hệ miễn dịch. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ nên cho trẻ uống thêm nước. Với trẻ mới biết đi, mẹ có thể cho trẻ uống thêm đồ uống có chất điện giải.
4. Bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ
Khi trẻ bị ho có đờm, mẹ nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm loãng, mềm, dễ nuốt và đặc biệt là đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Với trẻ sơ sinh chỉ ăn sữa mẹ, mẹ cũng nên bổ sung chất dinh dưỡng vào thực đơn của mình để cho con bú.
5. Sử dụng mật ong
Mật ong là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho trẻ trên 1 tuổi. Mẹ có thể cho con uống vài thìa nước ấm pha mật ong để làm dịu cơn ho của trẻ, tiêu đờm.
6. Sử dụng nước hành tây
Cách làm này chỉ nên áp dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Cách làm rất đơn giản, mẹ chỉ cần cắt hành tây thành hạt lựu cho vào bát rồi đem đi hấp cách thủy, lấy phần nước trong bát cho trẻ uống mỗi ngày 2-3 lần.
Mẹ nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ 4-5 lần mỗi ngày khi trẻ bị ho có đờm. Ảnh minh họa
Khi nào cần đưa trẻ tới bác sĩ?
Hầu hết các cơn ho sẽ tự biến mất. Dù vậy, nếu trẻ bị ho có đờm không sốt nhưng lại đi kèm với một số triệu chứng dưới đây thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt:
– Trẻ dưới 3 tháng tuổi
– Khó thở
– Đờm chuyển sang màu xanh
– Ngủ li bì
– Ho có đờm kéo dài
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/tre-ho-co-dom-khong-sot-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-hieu-qu…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét