Cha mẹ không nên cố gắng đẩy khối thoát vị vào trong cũng không cần thiết băng ép vùng thoát vị rốn.
Con gái tôi được 4 tháng tuổi, mỗi khi cháu khóc là rốn lại phồng lên rất to. Xin hỏi lớn lên cháu có bị rốn lồi không? Làm thế nào nếu cháu bị rốn lồi?
Mai Thị Thương (TP. Hòa Bình)
Qua miêu tả, bé bị thoát vị rốn. Thoát vị rốn ở trẻ xảy ra khi các cơ bụng đóng không kín. Khối thoát vị có thể to lên khi bé khóc, ho, ưỡn người để đi ngoài hay khi bé ngồi dậy. Khối này có thể nhỏ đi hoặc biến mất khi bé thư giãn. Thoát vị rốn thường không gây đau và hiếm khi gây biến chứng.
Tuy nhiên, đôi khi một đoạn quai ruột có thể bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại ổ bụng. Máu tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau ở vùng rốn và tổn thương mô ruột. Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt, hoàn toàn không nhận được máu, dẫn tới hoại tử. Nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng, đe dọa tính mạng.
Bé nhà bạn còn nhỏ, nếu ngoài việc rốn phồng lên như bạn miêu tả, sức khỏe bé bình thường, thoát vị rốn không gây ra các triệu chứng như sốt, đau đớn khiến bé quấy khóc, sưng nề khối thoát vị, bé bị nôn, khó đi ngoài hoặc trong phân có lẫn máu thì không cần làm gì vì đa số trường hợp thoát vị rốn sẽ tự khỏi. Khi bé lớn lên, cơ thành bụng khỏe hơn và có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, thoát vị sẽ tự mất đi (thường là khi bé lên 1 tuổi). Trong một số trường hợp, thoát vị chỉ mất đi sau 4-5 tuổi.
Lưu ý, bạn không nên cố gắng đẩy khối thoát vị vào trong. Cũng không cần thiết băng ép vùng thoát vị rốn để làm nó nhỏ đi bởi cách làm này có thể gây nhiễm trùng hoặc ngăn cản dòng máu tới nuôi tổ chức bên trong khối thoát vị. Trong trường hợp khối thoát vị rất lớn và gây đau đớn cho bé thì có thể đi khám để được bác sĩ chỉ định điều trị, chẳng hạn phẫu thuật.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-loi-ron-nen-lam-the-nao-n168303.html
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét