Rất nhiều bố mẹ căng thẳng và lo lắng khi con khóc dạ đề. Điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé và tác động đến tâm lý của các bậc phụ huynh. Nhưng ít ai biết rằng việc chú ý đến chế độ ăn uống của mẹ cũng có thể giúp trẻ bớt quấy khóc.
Bé khóc dạ đề là hiện tượng trong giai đoạn từ 2-3 tuần đến 3 tháng tuổi, trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều giờ. Thông thường bé sẽ khóc vào buổi chiều, tối hoặc ban đêm. Để nhận biết trẻ khóc dạ đề hay không thì căn cứ vào các biểu hiện như: khóc kéo dài hơn ba giờ một ngày, ba ngày một tuần và ba tuần một tháng.
1. Chế độ ăn của mẹ có thể gây ra khóc dạ đề ở trẻ
– Thông thường, khóc dạ đề hay xuất hiện ở các bé dưới 6 tháng tuổi vì tăng nhu động ruột. Nếu hoạt động một cách bình thường thì nhu động ruột sẽ không gây đau. Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đó làm cho nhu động ruột tăng lên không đều thì trẻ sẽ bị đau bụng dữ dội dẫn đến khóc kéo dài.
– Trong trường hợp bé bú sữa mẹ, do trẻ có đường tiêu hóa còn non nớt nên có thể sẽ bị dị ứng với một số thực phẩm có trong khẩu phần ăn của mẹ. Những loại đồ ăn như: trứng, sữa, các loại hạt, lúa mì…sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần của sữa mẹ. Việc dị ứng thức ăn này sẽ làm tăng nhu động ruột, khiến bé khóc dạ đề.
2. Làm thế nào xác định bé khóc dạ đề do thực phẩm?
Muốn xác định xem thực phẩm mẹ ăn có thể gây ra những cơn đau bụng cho trẻ hay không thì thực hiện quy trình ba bước đơn giản như sau:
Bước 1: Ghi chép lại
Phụ huynh nên ghi lại các loại thực phẩm mẹ ăn cũng như viết ra thời gian khi nào bé bị đau bụng và trong thời gian bao lâu. Chú ý bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của trẻ như quấy khóc, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, đột nhiên thức dậy vào ban đêm hoặc đỏ quanh hậu môn…
Bước 2: Không ăn thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng
Để xác định có thật sự mối liên hệ giữa thực phẩm và những dấu hiệu khác thường của trẻ, mẹ tránh ăn các thực phẩm nghi ngờ gây ra dị ứng cho bé trong 10-14 ngày để kiểm chứng kết quả. Quan sát trẻ xem các triệu chứng đau bụng, khóc dạ đề có giảm hoặc biến mất hay không. Nếu không thay đổi thì quay lại bước đầu tiên. Nếu các triệu chứng được cải thiện thì chuyển sang bước thứ ba.
Bước 3: Kiểm chứng kết quả
Nếu các triệu chứng của bé đã biến mất, mẹ lại từ từ ăn lại loại thực phẩm này. Trong trường hợp các triệu chứng lại xuất hiện trở lại trong vòng 24 giờ thì mẹ nên tạm thời loại thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Có thể tiếp tục thử nghiệm để xác định được các loại đồ ăn không gây ảnh hưởng cho bé.
3. Những thực phẩm mẹ nên tránh để con không khóc dạ đề
Khi đang cho con bú, người mẹ sẽ phải hết sức cẩn thận và tránh một vài loại đồ ăn thức uống. Một số thực phẩm có thể làm cho trẻ khó chịu, đau bụng dẫn đến việc khóc dạ đề.
Đồ uống có ga
Mẹ không nên uống đồ có ga trong thời gian đang cho bé bú vì những đồ uống này có thể làm tăng độc tố trong cơ thể mẹ, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Thay vào đó nên lựa chọn nước ép trái cây tự nhiên hoặc nước chanh.
Đồ uống chứa caffeine
Trà, cà phê hoặc bất kỳ loại đồ caffeine nào cũng sẽ gây ra hiện tượng đầy hơi cho bé, có thể làm cho trẻ khóc. Tuy nhiên nếu mẹ không thể thiếu được trà hoặc cà phê thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng có thể uống.
Các loại đậu
Một số loại đậu như đậu thận, đậu nành…có thể gây ra quá nhiều khí trong trẻ, dẫn đến khó chịu và đau bụng.
Nước tăng lực
Đồ uống này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ em do có chứa các loại hóa chất và chất bảo quản tích tụ trong cơ thể. Cơ thể của bé sẽ không cảm thấy thoải mái.
Đồ ăn cay vào nóng
Rất nhiều người yêu thích những thực phẩm cay và nóng. Tuy nhiên trong thời gian đang cho con bú thì mẹ nên hạn chế những đồ ăn này vì chúng có thể mang lại sự thay đổi trong hương vị của sữa mẹ, gây ảnh hưởng cho hệ thống tiêu hóa của bé.
Đồ ăn vặt
Đồ ăn vặt không chỉ ít dinh dưỡng mà còn có hại cho sức khỏe của bé vì chứa nhiều chất bảo quản. Ăn nó thường xuyên có thể ảnh hưởng đến người mẹ và hệ thống tiêu hóa của bé, dẫn đến đau bụng và các tác hại khác.
Hàm lượng sữa cao
Nhiều người cho rằng tiêu thụ nhiều sữa có thể giúp tăng sản sinh sữa nhưng không hề có căn cứ nào để chứng minh điều đó. Việc ăn hoặc uống quá nhiều các sản phẩm từ sữa còn thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa cho người mẹ, gây đau bụng hoặc dị ứng ở trẻ sơ sinh.
Một số loại hạt
Mặc dù các loại hạt là một nguồn cung cấp protein và chất béo rất tốt. Tuy nhiên một số loại hạt như hạnh nhân và hạt điều có thể gây ra một số vấn đề cho hệ tiêu hóa của trẻ, ảnh hưởng tới sự hoạt động của nhu động ruột.
Trứng
Đây là một loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Nhưng việc mẹ ăn lòng trắng trứng có thể dẫn đến các vấn đề cho dạ dày của trẻ sơ sinh.
Một vài loại rau
Có một số loại rau có thể gây đau bụng ở bé do và tích tụ khí trong dạ dày, dẫn đến đau dữ dội. Một trong số này là các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải bắp…
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/tre-khoc-da-de-co-lien-quan-toi-che-do-an-uong-cua-me-c32a75…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét