Thông tin từ bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, ngày 26/1 (tức mùng 2 Tết Âm lịch) vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận một ca cấp cứu vỡ thai ngoài tử cung nguy hiểm.
Sản phụ tên L.T.H.P (sinh năm 1992, sống tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng rất nguy cấp, sốc mất máu, huyết áp tụt… có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Nhận thấy tình hình nguy cấp của chị P., kíp gây mê quyết định tạm trì hoãn ca mổ viêm ruột thừa dù bệnh nhân đã nằm trên bàn mổ để phẫu thuật cấp cứu cho chị.
Chị P. được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu trong ngày mùng 2 Tết.
Các bác sĩ đã cắt khối thai ngoài tử cung, cầm máu và lấy ra khoảng hơn 2.000 ml máu vón cục lẫn máu đen bầm ngập ổ bụng.
Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ bị mất máu quá nhiều, rất nguy kịch nên bệnh viện huy động khẩn toàn đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện ai có nhóm máu tương thích nhanh chóng có mặt để hiến máu cứu sống bệnh nhân.
Lúc này, nhiều bác sĩ, nhân viên bệnh viện đang nghỉ Tết đã trở về bệnh viện để sẵn sàng hiến máu. Trong đó, anh Lê Phú Khanh – cán bộ của bệnh viện – đã hiến 1 đơn vị máu kịp thời cứu bệnh nhân.
Đến hôm nay (ngày 29/1), tình hình sức khỏe của chị P. đã ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện.
Thai ngoài tử cung Theo các bác sĩ, thai ngoài tử cung là trường hợp không mong muốn của các cặp vợ chồng. Nếu không được xử trí kịp thời, khối thai có nguy cơ vỡ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của mẹ bầu thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đây là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung. Có thể gặp thai làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi tử cung, buồng trứng, tại cổ tử cung, trong ổ bụng, thậm trí ngoài ổ phúc mạc. Tuy nhiên khoảng hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung. Thai ngoài tử cung thường gặp ở những phụ nữ bị dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh, đã từng phẫu thuật liên quan đến vòi trứng… Các mẹ bầu nên nghĩ tới thai ngoài tử cung khi có những dấu hiệu sau: Chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo bất thường – Chậm kinh: Đại đa số thai ngoài tử cung có dấu hiệu chậm kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp có kinh nguyệt không đều rất khó dự đoán ngày hành kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường trước thời điểm kinh nguyệt cũng cần phải lưu ý. – Đau bụng: Thường đau ở vị trí chỗ thai làm tổ ngoài tử cung, đau vùng bụng dưới đôi khi đau bụng kèm theo mót rặn. – Ra máu âm đạo bất thường: bất thường về thời gian ra máu như trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh, ra máu kéo dài. Bất thường về tính chất của máu như máu màu đỏ sáng hoặc sẫm hoặc loãng hơn bình thường. Trong trường hợp khối thai ngoài tử cung bị vỡ có dấu hiệu toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể thể ngất. |
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-bau-quang-binh-nhap-vien-dung-mung-2-tet-bs-hot-ho…
Xem thêm chủ đề Thai ngoài tử cung
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét