Sống với nhau 3 năm, Hiền phát hiện rằng hễ lúc nào nhà hết tiền là y như rằng vợ chồng cô lại lục đục cãi nhau.
Quân đã từng chết mê chết mệt Hiền – vợ anh bây giờ – bởi khuôn mặt dễ nhìn, đôi mắt đen láy cuốn hút và tính cách phóng khoáng. Hiền là phóng viên một tờ báo điện tử có tiếng, trong khi Quân là nhân viên của một tập đoàn truyền thông. Hiền đi nhiều, viết nhiều về những cảnh đời khó khăn, nhiều lần cô dốc hết cả tiền lương và nhuận bút để giúp những người không thân thiết vì chứng kiến hoàn cảnh nghèo khó, éo le của họ. Quân rất yêu và tự hào về Hiền. Anh nghĩ, cả hai chỉ cần sống bằng cảm xúc tươi đẹp, đồng điệu về tâm hồn, làm những điều tử tế là hạnh phúc.
Vậy nhưng sau khi kết hôn, mọi chuyện dần khác. Lần mang thai con gái đầu Hiền phải nghỉ việc ở nhà nằm một chỗ vì dọa sẩy trong khi Quân làm tự do. Thu nhập ngày đó chỉ trông chờ vào mỗi Quân trong khi chi tiêu lại đội lên so với ngày trước. Vợ chồng Hiền vẫn giữ thói quen chi tiêu thoải mái. Đã vậy, Quân còn động viên vợ: “Em cứ yên tâm nằm dưỡng thai để mẹ khỏe con khỏe. Vợ chồng mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội để kiếm được tiền. Em lại có mối quan hệ rộng và tốt với truyền thông thì lo gì”.
Nhưng sự đời không đơn giản như vậy. Mỗi lần đi khám thai, tiền taxi và siêu âm, thuốc thang của của Hiền đã gần 2 triệu, vị chi 1 tháng đã mất 5 triệu, chưa kể các khoản tiền nhà, tiền chi tiêu gia đình của hai vợ chồng bị thâm hụt. Trong khi đó, Hiền luôn muốn sắm sửa những đồ tốt nhất cho sự chào đón đứa con đầu lòng. Có bữa nghe vợ hỏi “bao giờ anh có tiền lương?”, sau đó là “sao mãi mà anh không đưa tiền về cho em?”, Quân đâm ra cáu bẳn: “Sao em cứ mở miệng ra là tiền ấy nhỉ. Em có biết là anh bị áp lực như thế nào không?”. Hiền biết mình lỡ miệng nên im lặng nhưng cô vô cùng buồn.
Ảnh minh họa.
Sau khi sinh con, Hiền một mình chăm con vì bố mẹ chồng ở quê đã già, bố đẻ cô bị bệnh tim nên mẹ cô phải ở nhà chăm sóc ông. Ban ngày Quân đi làm, một mình Hiền ở nhà xoay xở nên cô cảm giác mệt mỏi và căng thẳng, cộng với việc sữa mẹ không đủ cho con ăn, Hiền phải cho con ăn thêm sữa ngoài nên việc chi tiêu càng thêm tốn kém. Đã thế, nhiều hôm Quân đi làm về muộn, miệng có mùi rượu bia càng khiến Hiền cảm thấy khó chịu. Cô đón chồng bằng câu: “Suốt ngày rượu bia mà không lo kiếm tiền” khiến Quân chỉ muốn đấm vào mặt vợ.
Hình ảnh cô vợ phóng viên năng động, sâu sắc, rộng rãi biến mất. Quân cảm giác nhìn thấy vợ con là đối diện nỗi lo về tiền.
Thứ Sáu tuần trước, Quân đang làm việc ở công ty thì thấy tin nhắn của vợ: “Anh ơi, chốc về anh rẽ qua cửa hàng mua cho con 2 bịch bỉm và 2 hộp sữa. Mà anh đóng tiền điện tháng này luôn nhé, bên điện lực họ gửi thông báo sẽ cắt điện vì quá hạn đóng tiền”… Tin nhắn đó khiến Quân cảm thấy chán nản, không thể tập trung làm việc tiếp nữa. Không biết “ma xui quỷ khiến” thế nào, Quân nhắn lại: “Anh mệt mỏi quá rồi. Em và con tự lo nhé”.
Nhận được tin nhắn của chồng, Hiền sững người. Sau đó tĩnh tâm, cô nhận ra rằng, việc chi tiêu thoải mái, tâm lý coi thường tiền bạc, luôn muốn con mình được dùng loại bỉm và sữa tốt nhất, mua sắm đồ đạc đắt tiền so với thu nhập của vợ chồng cô đã dẫn đến tình tình trạng “giật gấu vá vai”, vợ chồng lục đục. Hiền cũng tự đặt mình vào vị trí của Quân và thấu hiểu được tại sao một người vốn rộng rãi tiền bạc lại có thể trở nên cáu bẳn với vợ như vậy. Trong đầu Hiền lởn vởn đến ý nghĩ ly hôn. Cô, một người phụ nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản, không có thu nhập vậy mà chồng lại bảo phải tự lo. Từ bữa đó, Hiền không tỏ ra giận dỗi chồng nhưng trong cô mất dần cảm xúc. Cô bảo em gái mình gửi cho mình một ít tiền để mua đồ cho con và nung nấu ý định thuê người giúp việc để có thể quay trở lại với công việc sớm, không còn phải phụ thuộc và “ăn bám” chồng…
Nguồn: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/vo-chong-can-nhau-luc-het-tien-20191224105217619.htm
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét