Chớ xem thường đau tinh hoàn



Đau tinh hoàn là tình trạng dễ gặp ở nam giới. Cơn đau có thể bất ngờ, thoáng qua, nhưng cũng có cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau buốt làm ảnh hưởng tới sức khỏe tình dục và chất lượng sống.



Thậm chí có trường hợp những cơn đau dữ dội sẽ khiến nam giới sợ khi nghĩ đến “chuyện ấy”… Vì vậy chứng đau tinh hoàn rất cần được chế ngự để không ảnh hưởng tới sức khỏe.


Nguyên nhân gây đau tinh hoàn gồm:


Đau do chấn thương: Một cú đấm hay đạp trực tiếp vào bìu, hoặc một va chạm bất ngờ vào hạ bộ sẽ gây chấn thương tinh hoàn và gây đau đớn tột bậc cho chủ nhân. Đau tinh hoàn cũng có thể do những hành động quá mạnh bạo trong khi quan hệ tình dục, tư thế yêu không phù hợp. Những người thường xuyên phải di chuyển nhiều, nhất là đi xe đạp trong một thời gian dài hay trên những địa hình không bằng phẳng có thể bị đau tinh hoàn.


Khi hưng phấn tình dục, máu dồn về dương vật nhiều có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tinh hoàn, gây căng tức tinh hoàn. Đau tinh hoàn có thể do kích thích khi thủ dâm, quan hệ tình dục quá lâu. Những hiện tượng này thường diễn ra logic nghĩa là có kích thích, có cương cứng, có hưng phấn tình dục… thì mới đau nhức và mức độ đau nhức vừa phải và thường tự hết sau một khoảng thời gian ngắn. Nam giới mang vác nặng gây chèn ép dương vật và tinh hoàn thì cũng có thể gây đau nhức, mỏi tinh hoàn…


https://suckhoedoisong.vn/Ảnh minh họa


Đau tinh hoàn do bệnh lý














Viêm mào tinh hoàn: phổ biến nhất ở nam giới trong độ tuổi từ 20 – 39, thường do nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn hoặc do một căn bệnh qua đường tình dục (STD), như bệnh lậu hay nhiễm Chlamydia. Đau do viêm mào tinh hoàn thường đau liên tục và kèm theo các triệu chứng như sốt, da vùng bìu có thể đỏ, sờ thấy mào tinh hoàn sưng to và nắn nhẹ rất đau. Đau khi giao hợp hay xuất tinh. Dương vật bị đau, đau bụng dưới, khi đi bộ hoặc đứng đau rõ rệt hơn.


Xoắn tinh hoàn: là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng.


Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Có thể gây đau tinh hoàn, biểu hiện là đau một bên tinh hoàn, đau âm ỉ hoặc đau liên tục.


Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Cảm giác đau không nhiều mà chủ yếu là kiểu đau tức, đau tăng khi vận động, hay gặp ở tinh hoàn bên trái, sờ phía trên thấy có búi lùng nhùng như búi giun.


Khi thấy các dấu hiệu đau bất thường, cần đi khám ngay để có tư vấn cụ thể.


BS. ĐINH MẠNH TRÍ




Nguồn: Sức Khỏe & Đời sống




Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét