Không thể phủ nhận chuyện đâu đó trong ngành giáo dục vẫn có người thực dụng, thậm chí “vòi” tiền từ phụ huynh song đừng vì vậy mà mang cái nhìn thiếu khách quan về nghề cao quý này.
Ngày 20/11 hàng năm được lấy làm ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp trồng người. Vào ngày này, các học sinh thường dành những lời chúc chân thành nhất để gửi đến người mẹ thứ hai của mình.
Nếu như trước đây, món quà của học sinh tặng cô giáo đơn giản chỉ là vài quyển vở, cây bút hay hoa bọc giấy bóng kính đơn sơ thì nay, theo sự phát triển của xã hội, những món quà đó trở thành mỹ phẩm, sản phẩm thời trang hay phổ biến nhất là phong bì. Đưa chuyện tặng quà thầy cô ra để bàn vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có lẽ không phải điều hay nhưng cũng là cần thiết để mỗi chúng ta hiểu thêm về chiếc phong bì mang nhiều oan ức.
Thực tế, lâu nay chuyện phụ huynh tặng quà cho thầy cô giáo bằng phong bì đã rất phổ biến. Người ta không còn lạ lẫm với hình ảnh về những món quà chỉ mang tính tượng trưng, để kèm phong bì cho “đỡ trống”. Cả phụ huynh và nhiều giáo viên đều coi đó là chuyện bình thường song muốn hay không, vẫn có những người coi đây là vấn đề nhạy cảm.
Chiếc phong bì, vật mang nhiều oan ức trong ngành giáo dục. Ảnh minh họa.
Tôi từng sượng người vì ngượng khi trót bông đùa mấy câu trêu cô bạn làm giáo viên rằng tha hồ kiếm ngày 20/11 mà khiến cô bạn bật khóc. Bạn tôi, người từng học giỏi nhất nhì lớp, đỗ vào một trường đại học nổi tiếng khiến thầy cô cũng như ba mẹ đều tự hào, cuối cùng sau hơn 1 năm học đã quyết định bỏ ngang để theo đuổi con đường nuôi dạy trẻ.
“Người ta bảo tao dở hơi khi bỏ trường ngon lành để theo học cái nghề ngày rửa vài chục cái mông cho trẻ con”, tôi nghe cô bạn nói mà không khỏi xót xa.
Sau khi ra trường, bạn tôi về dạy cho một trường mầm non tư thục ở gần nhà. Dẫu biết nghề gì cũng có nỗi niềm riêng song bạn tôi từng đứng sững người khi vô tình nghe thấy phụ huynh khinh miệt chuyện giáo viên nhận phong bì của học sinh.
“Nếu vì tiền, tao đã không bỏ ngang việc học ở trường cũ mà theo ngành sư phạm. Dù biết đó những người đó không đại diện cho các phụ huynh học sinh nhưng thực sự là đau lắm mày ạ”.
Từ ngày có con, rồi theo chân con tới từng lớp học, tôi mới cảm nhận được rõ thêm nhiều nỗi niềm của nghề giáo. Đúng là có phụ huynh cho rằng giờ muốn con cái được thầy cô quan tâm thì phải có quà, nếu không có sẽ bị các cô trù dập. Có lẽ, một xã hội với nhiều mảng màu xám đã khiến họ ghim vào đầu những cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện cảm về thầy cô.
Xét về bản chất, chiếc phong bì không hề xấu, nó lại càng không hề có lỗi mà sự tiêu cực, xấu xí chính là xuất phát từ động cơ sử dụng nó của cả người tặng lẫn người nhận.
Hãy để những lời chúc, món quà nhân ngày 20/11 thay sự tri ân đến người thầy, người cô của mình. Ảnh minh họa.
Tặng quà thầy cô dù là ngày nào cũng đều là một cách tri ân, bày tỏ sự biết ơn thầy cô. Vậy nhưng nhiều người lại không nhìn chiếc phong bì như món quà tặng để tri ân nhau. Nếu như trước đây, người ta đến tân gia, thăm người ốm bằng những món quà hiện vật thì nay để thiết thực hơn, người ta dùng phong bì. Điều này được rất nhiều người chuộng và chẳng khi nào lên án, song trong ngành giáo dục, chiếc phong bì lại trở nên nhạy cảm vì bị coi là biểu hiện của sự thực dụng. Không thể phủ nhận chuyện đâu đó trong ngành giáo dục vẫn có người thực dụng, thậm chí “vòi” tiền từ phụ huynh song đừng vì vậy mà mang cái nhìn thiếu khách quan về nghề cao quý này.
Bất kỳ là món quà nào, nếu không chân thành, coi đó là nghĩa vụ thì lòng biết ơn sẽ không còn là tình cảm xuất phát từ tâm. Khi ta trao tặng ai đó một món quà, bản thân ta chính là người hạnh phúc đầu tiên rồi sẽ đến người nhận. “Của tặng không bằng cách tặng”, hãy để cho người nhận cảm nhận được sự trân trọng trong từng lời chúc, món quà của mình.
Nguồn: http://khampha.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/tang-phong-bi-ngay-2011-la-su-tri-an-hay-co-thoc-m…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét