Những đứa trẻ sớm thành người lớn



Nhiều cậu bé mới 8 tuổi đã có giọng nói ồm ồm, mọc ria mép. Không ít cô bé mới 9 tuổi đã bắt đầu có kinh nguyệt. Hiện tượng trên khiến phụ huynh hoang mang.


Đưa con trai 8 tuổi đến BV. Nhi Đồng 2 (TP.HCM), người mẹ nhà ở quận 1, TP.HCM ngại ngùng khi đứa con mọc lông vùng kín và giọng nói ồm ồm. Vài phút sau, một người mẹ khác đưa con gái 9 tuổi đến nhờ BS khám bởi con mình đã 2 lần có kinh nguyệt khiến cả nhà phát hoảng. Phụ huynh hoang mang lo lắng, thế nhưng theo các BS, hiện tượng dậy thì sớm như trên ngày nay đã không còn xa lạ.


18 tháng tuổi đã dậy thì


Khoa Thận nội tiết BV. Nhi đồng 1 TP.HCM từng tiếp nhận một bé gái 18 tháng tuổi được mẹ đưa đến khám trong tình trạng chảy máu âm đạo. Theo lời kể của người mẹ, khi thấy bé bị chảy máu âm đạo, lo lắng con bị xâm hại nên chị đã đưa, đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế. Tuy nhiên qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các BS BV. Nhi đồng 1 đã phát hiện bé dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Bé sau đó được điều trị bằng thuốc ức chế cạnh tranh nhằm giảm sự tăng trưởng của hormone sinh dục nữ và sẽ ngưng điều trị khi bé bước vào độ tuổi dậy thì thực sự.


Một trường hợp khác, bé trai 3 tuổi bị vỡ giọng, có giọng nói ồm ồm giống người lớn. Các BS phát hiện nguyên nhân khiến bé dậy thì sớm là do có khối u vùng hạ đồi (não) kích thích trục hạ đồi tuyến yên, tuyến sinh dục hoạt động. Bé được phẫu thuật lấy khối u và điều chỉnh hormone để đưa bé về đúng tuổi.


Theo BS. Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận – Nội tiết BV. Nhi đồng 1 TP.HCM, số lượng trẻ bị dậy thì sớm có chiều hướng gia tăng. BV hiện điều trị cho hơn 100 bé mắc hội chứng dậy thì sớm. Hầu hết các bé gái được người nhà đưa đi khám dậy thì sớm khi ngực phát triển, trong đó 20% – 25% có kinh nguyệt sớm. Riêng các bé trai được đưa đi khám vì dương vật quá phát triển, có 50% vỡ giọng sớm.


Về mặt y khoa, để xác định trẻ có dậy thì sớm hay không, ngoài yếu tố đặc điểm sinh dục thứ phát thì phải phụ thuộc vào kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như: đánh giá nội tiết tố của bé, tuổi xương, bảng đánh giá vòng ngực tùy theo độ tuổi ở bé gái, thể tích tinh hoàn ở bé trai…


Tăng đột biến


Tại BV. Nhi đồng 2, hiện các BS đang quản lý khoảng 500 trẻ dậy thì sớm, trong đó có khoảng 400 trẻ dậy thì sớm trung ương đang được điều trị. Nếu như những năm trước, mỗi tháng BV tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân mới có chỉ định điều trị, thì trong 10/2019, BV đã có thêm gần 100 ca bệnh mới khiến số lượng bệnh nhân cộng dồn hàng năm tăng đột biến, gây khó khăn cho công tác điều trị, kế hoạch dự trù thuốc cho cả năm.


BS.CKII. Hoàng Ngọc Quý, Trưởng khoa Thận – Nội tiết, BV. Nhi đồng 2 cho biết, hiện tượng dậy thì sớm trẻ em ngày càng phổ biến và được sự quan tâm của cha mẹ và xã hội là nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, qua báo, đài, internet…


Theo BS. Quý, dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt…), tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình… Bé gái dậy thì sớm dễ bị lạm dụng tình dục do trẻ chưa có khả năng nhận thức những hành vi lạm dụng và tự bảo vệ mình.


Tuổi khởi phát dậy thì có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai.


Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5 – 11 tuổi, ở nam là 11,5 – 12 tuổi. Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái hơn bé trai, gấp 5 lần và thường gặp ở thành thị hơn nông thôn.



Các nhóm dậy thì sớm


Dậy thì sớm trung ương:


Do sự bài tiết quá mức hormone sinh dục từ trên não (hạ đồi – tuyến yên). Đây là nhóm thường gặp nhất. Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số lại là vô căn (nhất là bé gái), tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm. Nhóm này được điều trị bằng hormone nhân tạo điều chỉnh nhiều quá trình trong cơ thể để cơ thể tự sản xuất một số hormone nhất định, các hormone này là nguyên nhân dẫn đến ngưng sản xuất chất tạm thời để ngăn sự phát triển nhanh các cơ quan sinh dục thứ phát.


Dậy thì sớm ngoại vi:


Dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận…


Dậy thì sớm không hoàn toàn:


Phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát (tăng sinh tuyến vú đơn độc). Dậy thì đến sớm do các đặc tính sinh dục thứ phát xuất hiện và phát triển đơn độc, 90% không có những lý do đặc biệt và xảy ra chủ yếu ở trẻ em gái. Đây là biến thể của dậy thì bình thường. Nguyên nhân được giả định do: béo phì và căng thẳng; do dinh dưỡng không cân đối, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường và rối loạn nội tiết.


Hậu quả


Theo các BS của Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM, dậy thì sớm ảnh hưởng về tâm lý: trẻ dậy thì sớm có những dấu hiệu phát triển sinh lý khác biệt so với những trẻ cùng lứa tuổi, dễ làm cho trẻ có tâm lý ngại ngùng, tự ti.



Chiều cao hạn chế: dậy thì sớm làm quá trình phát triển xương tăng nhanh, làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành.


Ham muốn tình dục trước tuổi: sự phát triển tâm lý dậy thì quá sớm dẫn đến suy nghĩ nông nổi, khả năng tự khống chế cảm xúc kém nên khó tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, từ đó dẫn đến mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.


Hội chứng buồng trứng đa nang: chu kỳ kinh nguyệt trước 8 tuổi dễ có nguy cơ rối loạn nội tiết tố gây buồng trứng đa nang.


Hầu hết các bé gái được người nhà đưa đi khám dậy thì sớm khi ngực phát triển

 


Chẩn đoán cận lâm sàng


Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến khám BS chuyên khoa nội tiết ở trẻ em (nội tiết nhi khoa). Để chẩn đoán xác định cần làm một số chẩn đoán cận lâm sàng:


Chụp X – quang bàn tay và cổ tay: để xác định sự phát triển của xương, từ đó biết được quá trình dậy thì ở trẻ.


Xét nghiệm máu trước và sau tiêm hormone Gn-RH (kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra LH, FSH, là những nội tiết tố cần thiết cho dậy thì, sinh sản):


Đối với dậy thì sớm trung tâm: sau tiêm, nồng độ hormone LH và FSH tăng.


Đối với dậy thì sớm ngoại vi: sau tiêm, nồng độ hormone LH và FSH không thay đổi.


Chụp cộng hưởng từ (MRI): để kiểm tra sự bất thường của não.


Siêu âm vùng chậu: để kiểm tra u nang buồng trứng…


Điều trị


Không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị; chỉ có chỉ định điều trị khi dậy thì tiến triển nhanh và/hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể. Quyết định điều trị còn tùy thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng.


Vì đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là nguyên nhân trung ương và vô căn, nên không ít trường hợp chính gia đình quyết định không can thiệp điều trị (sau khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ), muốn để trẻ phát triển (tự nhiên) mà không có sự can thiệp bằng thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể (đơn thuần là cha mẹ chỉ muốn biết cơ thể con họ có bị (bệnh) hay không), không có nhu cầu làm chậm quá trình dậy thì sớm của trẻ.


Chỉ định điều trị dành cho dậy thì sớm trung ương ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi; điều trị dự phòng rối loạn tâm lý ở các trẻ (và cha mẹ) nhạy cảm. Cân nhắc từng cá thể: tốc độ dậy thì, tâm lý trẻ, hoàn cảnh kinh tế, xã hội…


Việc điều trị làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinh dục thứ phát.


Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của trẻ. Vì vậy mục đích điều trị dậy thì sớm trung ương thực chất là muốn làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho “đủ tuổi” dậy thì cho “đúng quy trình”.


Trong quá trình điều trị, có không ít gia đình đã xin ngưng điều trị, vì trẻ và gia đình sau một thời gian được tư vấn và tìm hiểu, không còn lo lắng dậy thì sớm như lúc ban đầu, đã được sự đồng ý của BS cho ngưng điều trị. Vì vậy, trong quá trình điều trị vì lý do nào đó không điều trị đúng thì không nên quá lo lắng vì hoàn toàn không ảnh hưởng quá trình điều trị trước đó và tiếp theo sau này.


 


Lời khuyên của thầy thuốc
Để ngăn dậy thì sớm, trẻ cần tập thể dục thường xuyên, hơn 30 phút mỗi ngày. Nên thường xuyên ngủ sớm và dậy sớm, ngủ nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày. Không nên dành nhiều thời gian với thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính.
Nên tham gia các hoạt động ngoại khóa như du lịch, cắm trại… Nên dành thời gian phơi nắng vào buổi sáng, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng cần tăng cường rau củ quả cho bữa ăn hàng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ… Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng, dễ bị béo phì.
Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm không uy tín, không rõ nguồn gốc và các thực phẩm chứa chất tăng trưởng..

 



KIẾN TƯỜNG




Nguồn: Sức Khỏe & Đời sống



Nguồn: Chuyện Vợ Chồng

Đăng nhận xét

0 Nhận xét