Không tốn quá nhiều chi phí cho việc nuôi con, mỗi lần mua bỉm sữa chị Mai mua những sản phẩm mức giá trung bình. Quần áo thì càng ít sắm, chị cho rằng trẻ con nhanh lớn nên mẹ tận dụng quần áo đi xin mọi người là chủ yếu.
Chị Đoàn Thị Mai (28 tuổi) sống tại Saint Petersburg, Nga được nhiều các mẹ Việt đang nuôi con nhỏ biết đến với vai trò là một bác sĩ thường xuyên chia sẻ và giải đáp những thắc mắc trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Ngoài công việc nghiên cứu y khoa trong lĩnh vực dinh dưỡng tiêu hóa và miễn dịch, lĩnh hội kiến thức phục vụ các mẹ, chị còn là người vô cùng dày dặn kinh nghiệm khi làm mẹ của hai con nhỏ Kem và Bin, một bé 3,5 tuổi, và một bé 2,5 tuổi. Đặc biệt chị còn được biết đến với những kỹ năng rèn con tự lập và biết trân quý giá trị cuộc sống.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Đoàn Thị Mai tại nước Nga xa xôi
Đi đẻ mất 0 đồng nhưng “vượt cạn” lại lẻ bóng 1 mình
Kết hôn năm 2015, chị Mai theo chồng sang Nga sinh sống và học tập, cùng một lúc chị được trải nghiệm rất nhiều cảm xúc tuyệt vời. Từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, sinh đẻ đến các phúc lợi trong các lĩnh vực khác.
Chia sẻ về cảm xúc lần đầu được làm mẹ, chị cảm thấy vô cùng thiêng liêng khi được mang thai và sinh con tại một đất nước phương Tây phát triển. Cả hai lần mang bầu chị không gặp phải những vấn đề như ốm yếu hay kén ăn, nhờ bản thân thích phong cách ẩm thực phương Tây nên vấn đề ăn uống rất thoải mái.
Ngay từ khi còn nhỏ chị đã cho các con được vận động tự nhiên
Nền Y tế của Nga hiện nay là bảo hiểm toàn dân, nhờ vậy mà hai lần sinh đẻ chị Mai đều được nhà nước chi trả 100%. Có điều đó cũng là 2 lần “vượt cạn” lẻ bóng của chị. Bởi khi sinh con ở nước Nga, chồng chỉ được đi cùng vợ đến sảnh tiếp đón ở nhà hộ sinh, hỗ trợ sản phụ làm giấy tờ, sau đó đi về. Mọi thủ tục chuẩn bị tiếp theo, như tắm rửa vệ sinh được y tá hướng dẫn và hỗ trợ làm hết.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ khi sinh con ở trời Tây, mẹ 9X nói: “Lúc trên bàn đẻ mình đang hăng say rặn đẻ bác sĩ kêu dừng lại, bảo mình gọi điện cho chồng. Mình lo quá tưởng có vấn đề gì nguy hiểm. Hóa ra là bác sĩ sợ mình không hiểu tiếng (đúng là lúc đó không hiểu thật) bảo mình phải rặn theo nhịp co tử cung, theo sự chỉ huy của bác sĩ mới được.
Mình không hiểu tiếng, nhưng cái cách rặn đẻ thì mình có biết mà, có điều bị mệt quá xong rặn yếu đó. Tắt máy đi, rặn thêm hai lần nữa thì cũng sinh ra được. Sau này chồng mình trêu là thằng con lì quá, phải đợi bố gọi mới chịu ra. Giờ thì anh con trai đúng là rất bướng và quấn bố hơn mẹ nhiều”.
Và tập ngủ riêng trong chiếc cũi nhỏ xinh
Không giống với những mẹ bỉm sữa ở cữ tại Việt Nam, sau sinh có giúp việc hoặc ông bà đỡ đần, với chị Mai sau khi sinh con là hai vợ chồng sẽ phải nỗ lực đến 200% mới có thể chăm được đủ đầy cho con. “Nhớ thời gian đầu sau sinh, mình chỉ dám ngủ đôi ba tiếng đồng hồ rồi lại thức dậy cho con bú và thay tã cho em bé. Cũng may mắn là mình không hề bị stress sau sinh” – 9X nhớ lại.
Để tránh lãng phí, 9X Việt ở Nga xin đồ cũ cho con mặc vì trẻ rất nhanh lớn
Là cặp vợ chồng người Việt sống ở nước ngoài nên muôn phần bận rộn. Anh chị đã phải phân công công việc rõ ràng. Nếu như công việc chợ búa bếp núc, giặt giũ ở Việt Nam mặc định là các bà nội trợ thì bên đất nước Nga, cả hai vợ chồng cùng tham gia vào công việc trong gia đình, từ việc dạy con đến các sinh hoạt nhà cửa. Anh chị chú trọng vào việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi sao cho con thoải mái nhất. Chị cũng không quên tranh thủ đưa con ra ngoài chơi để con tìm hiểu thiên nhiên và giao tiếp với các bạn.
Nhờ được mẹ cho phát triển tự nhiên nên 2 bé không ngại bẩn tham gia các trò chơi với cát
Vì mẹ quá bận nên bé Kem và Bin đã được rèn nhiều điều, ngay từ ngày còn rất nhỏ, các con được học cách uống bình để sau bé không sợ ti bình. Con đã được tách ra ngủ riêng ở cũi với chiếc gối ôm, bên cạnh giường của bố mẹ. Tuy còn rất nhỏ nhưng bé không hề làm nũng hay mè nheo như bao đứa trẻ khác, hai con đều khá độc lập trong mọi hành vi của mình.
Mẹ Việt sống ở Nga cũng cố gắng tập cho tự lập như các bé phương Tây, tuy nhiên có lẽ do nếp sống từ nhỏ của mình nó khác họ nên chỉ áp dụng được một phần nào. Chị không luyện ngủ cố định cho con mà căn cứ vào giờ sinh hoạt chung của gia đình để làm quy chuẩn cho cữ ngủ của các con.
Hiện giờ 2 con đã đến tuổi đi lớp, con buộc phải làm quen với đồ ăn ở trường. Chính bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, chị Mai đã cùng chồng tập cho các con ăn theo phong cách của người Nga. Những ngày đầu đến lớp con ăn không quen, toàn bỏ bữa nhưng chị không có động thái gì mà để bé tự thích nghi với đồ ăn ở lớp, sau một tuần thì con đã ăn ngon với các bạn.
“Mình rèn cho bé ăn uống theo phong cách của Nga luôn để sau bé đi học có thể ăn uống như các bạn. Rất may mắn là các con thương bố mẹ vất vả nên cũng dễ nuôi” – mẹ 9X cho biết.
Vào những ngày cuối tuần, cả gia đình lại ra ngoài chơi, cả hai đều cố gắng giành nhiều thời gian bên con nhất
Về chế độ phúc lợi giáo dục, chị Mai cho rằng đó cũng là một điều rất tuyệt vời ở đất nước Nga. Bé được đi học miễn phí, hàng tháng gia đình sẽ chỉ phải đóng khoảng 300 nghìn tiền Việt Nam là phụ phí. Bé có thể ở trường từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối tham gia các hoạt động vui chơi ở trường, buổi tối về bé ăn thêm một bữa, sau đó chơi với các thành viên trong gia đình, vệ sinh cá nhân và đi ngủ.
Cuối tuần bé nghỉ học thì chị sẽ tranh thủ đưa các con ra ngoài để tham gia các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa. Mẹ trẻ quan niệm, trẻ nhỏ quan trọng nhất là được chăm sóc sức khỏe, được vui chơi thoải mái, phát triển tự nhiên, từ đó hình thành đề kháng cho cơ thể cũng là tốt. Chị khá tự hào vì các con đều rất khỏe mạnh, thời tiết lạnh như nước Nga nhưng bé ít bị ốm sốt và phải dùng tới kháng sinh.
Chị từng chia sẻ, hai vợ chồng mình chú tâm về giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho con cái hơn các lĩnh vực khác
Với nhiều mẹ, nuôi con ở nước ngoài, tốn kém nhất có lẽ là khoản trang phục. Tuy nhiên với mẹ Đoàn Thị Mai chị lại không ngốn quá nhiều chi phí cho mua sắm thời trang. Quần áo chị càng ít sắm, chị cho rằng trẻ con nhanh lớn nên mẹ tận dụng quần áo đi xin mọi người là chủ yếu.
Khi được hỏi về việc tránh lãng phí và phần nào tiết kiệm trong chi tiêu, chị Mai không ngại chia sẻ: “Mẹ nào cũng thích những thứ tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên mình nghĩ chúng ta có thể tiết kiệm về mặt mua quần áo cho các con, nếu được thì dùng lại của các em bé khác, mặt khác các con cũng được cho và tặng đồ rất nhiều. Trẻ con lớn rất nhanh có nhiều bộ chỉ mặc được một lần.
Chị quan niệm, cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con
Hai vợ chồng mình chú tâm về giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho con cái, cố gắng giành thời gian cho con hơn là thời trang, cố gắng ở bên con, nói chuyện với con để hiểu con nhiều hơn. Hiểu được con trẻ rồi bố mẹ sẽ có phương hướng giáo dục cũng như giúp con nhận thức được những kiến thức cơ bản xung quanh môi trường sống”.
Vợ chồng chị Mai cũng nhấn mạnh, trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái cha mẹ là những người thầy đầu tiên quan trọng nhất. Không khí ấm áp vui vẻ trong gia đình, là môi trường giáo dục tốt nhất. Đó là điều mà có thật nhiều tiền chưa chắc chúng ta đã mua được.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/me-viet-o-nga-di-de-0-dong-con-khong-mat-hoc-phi-xin-quan-ao…
Nguồn: Eva
Nguồn: Chuyện Vợ Chồng
0 Nhận xét